Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng luôn luôn là một ngày của niềm vui. Thực vậy, Chúa đến gần. Chính vì thế mà phụng vụ chuyển thông cho chúng ta niềm vui mà chúng ta cần phải toả sáng ra.
Mặc dù không phải là một tiên tri được biết đến nhiều nhất, nhưng Sophonie có một sứ điệp mạc khải đầy đủ đẹp đẽ của một lời hứa hẹn hấp dẫn: “ Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn. Gia Vê là vua Israel ở giữa ngươi”. Đó là một lời thán phục vui tươi, giữ vai trò chủ chốt trong những lời loan báo Cựu Ước liên quan đến sự tỏ hiện của Đấng Cứu Thế.
Như chúng ta đã biết, rải rác trong Kinh thánh là lời kêu gọi dân Israel đi đến niềm vui. Ở trong niềm vui cho phép chiến đấu chống lại sự buồn phiền, chán nản, chống lại những cám dỗ thờ lạy các thần ngoại lai khác. Chính vì lý do đó mà dân chúng phải vui mừng biết rằng, Thiên Chúa không bỏ rơi họ.
Thế nhưng, với Sophonia, còn có một lời kêu gọi rất đặc biệt: đó là bày tỏ cho biết Đấng Cứu Thế đến. Chúng ta có thể nhìn thấy những lời kêu gọi giống như thế nơi tiên tri Isaia và các tiên tri khác. Tuy nhiên, chính trong bản văn hôm nay mà lời loan báo rõ ràng hơn hết. Ở đây cần để ý một điểm là, lời của thiên thần Gabriel khi truyền tin được gợi hứng trực tiếp từ vị tiên tri này: “Mừng vui lên, Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà” ( Lc 1,28 ). Chính vì lý do này mà không được giản lược lời chào của thiên thần vào một câu đơn giản, nghèo nàn “ tôi chào bà” mà thôi.
Chỉ còn có một tuần nữa là đến lễ Giáng sinh, và vì thế, niềm vui phải giữ mạnh mẽ trong tâm hồn chúng ta. Bởi vì chính Giáo Hội hôm nay nghe thấy lời kêu gọi: “ Hãy vui mừng lên, hỡi Dân Thiên Chúa, Chúa đang rất gần.” Mỗi người chúng ta phải tự chất vấn chính mình: chúng ta có thực sự chờ đón Đấng Cứu Thế hay không ?-Và sự chờ đón này có đi liền theo một niềm vui khác hẳn với các niềm vui khác không ?-
Thực vậy, chúng ta có rất nhiều lý do để không toả sáng niềm vui trong suốt những ngày tháng cuộc đời chúng ta: những khó khăn của cuộc sống, thất nghiệp, sức khỏe yếu kém, tình trạng bạo lực gia tăng.. Vậy thì chúng ta hãy đọc sứ điệp cho đến hết: “Giavê Thiên Chúa ngươi ở giữa ngươi, ngài hân hoan nhảy mừng vì ngươi. Ngài cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, ngài sung sướng reo mừng, như vào những ngày lễ”.
Chúng ta đừng quên điều này là, niềm vui trước hết là ở nơi Thiên Chúa, trong sự gặp gỡ Ba ngôi Thiên Chúa, như Chúa Giêsu chỉ cho thấy, khi ngài “ hớn hở reo mừng” dưới tác động của Chúa Thánh Thần khi thân thưa với Chúa Cha ( Lc 10 ). Ở trong sự buồn phiền sẽ là một dấu chỉ từ chối tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng phải làm gì một cách cụ thể ?-
Đám đông đến gặp Gioan Tẩy Giả không sống trong sự bình an, cũng không sống trong niềm vui. Thế nhưng, khi họ đặt câu hỏi: “ Chúng tôi phải làm gì ?-“, thì Gioan tìm thấy câu trả lời thích hợp cho mỗi người: với những người dân, thì chia sẻ quần áo và lương thực; với những người lính, thì phải từ chối bạo lực và bất lương. Ở mỗi lần, ông đều cho lời khuyên trong cái ý hướng hoà bình. Điều đó dương như ông nói: Hãy luôn luôn chọn cái giải pháp sẽ đem lại hoà bình chung quanh anh em, anh em sẽ được lấp đầy niềm vui.
Niềm vui là một ơn huệ của Thiên Chúa, thậm chí nó còn là một trong những hoa trái chính yếu của Chúa Thánh Thần ( Ga 5,22 ). Nếu chúng ta thiếu niềm vui, chính là vì chúng ta đã không mở rộng tâm hồn chúng ta cho sự năng động thần thiêng: bởi vì ở trong niềm vui là dấu chỉ tốt đẹp nhất cho thấy Chúa đang đến gần.
Thánh Phaolô cũng mời gọi chúng ta đến niềm vui: “ Anh em hãy ở trong niềm vui.. Chúa đang đến gần”. Tuy nhiên, khi nói như thế, ông không loan báo lễ Giáng Sinh, mà là loan báo việc Chúa Giêsu phục sinh đích thân đến nhà chúng ta, thường xuyên đến với chúng ta để làm dịu đi những nỗi lo lắng của chúng ta, và mang đến cho chúng ta bình an.
Toả sáng niềm vui này vào một vài ngày trước lễ Giáng Sinh, đối với chúng ta, chính là cách thế tốt nhất chỉ cho tất cả biết: Chúa đến gần.