Tất cả các tôn giáo đều rao giảng tình yêu. Tất cả các đảng phái chính trị đều phô trương tình liên đới. Tất cả mọi người, đàn ông cũng như đàn bà, đều ước mong yêu mến và được mến yêu.. Thế nhưng, xã hội chúng ta lại đầy dẫy những thất bại của tình yêu. Báo chí, truyền hình, đài phát thanh.. mỗi ngày đều nói đến những cuộc phản bội, đối đầu, bạo lực, và chiến tranh. Như thế, khi lớn tiếng kêu gọi: Anh em hãy yêu thương nhau, phải chăng Chúa Giêsu đã quá ngây thơ lặn lội rao giảng, trong một thế giới quá khắc nghiệt, tàn nhẫn, Tin Mừng Tình Yêu của ngài ?-
Thực ra, “yêu thương” là một từ ngữ rất mơ hồ, tối nghĩa. Nó có thể bao gồm những thực tại đẹp đẽ nhất và xấu xa nhất. Tuy nhiên, trong bài Phúc Am hôm nay, Chúa Giêsu đã xác định rõ ràng những điều kiện để có thể yêu thương thực sự. Ngài muốn tránh cho chúng ta những hiểu lầm đáng tiếc, những ngộ nhận về tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em.
Trước hết, khi nói yêu mến Thiên Chúa, chúng ta hãy coi chừng sự mơ hồ tình yêu của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ yêu mến Thiên Chúa trong một góc nhỏ của con tim, trong một phần bé nhỏ của cuộc đời, thì chúng ta không thực sự yêu mến theo như Chúa Giêsu. Ngài nói:” Con hãy yêu mến Thiên Chúa của con hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức con”. Như thế, chỉ yêu mến một chút thì không đủ. Thỉnh thoảng đi xem lễ, đọc một vài kinh vào buổi tối… thì không phải là yêu mến. Tình yêu Thiên Chúa phải bao trùm tất cả cuộc đời chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa với tất cả trí khôn, với tất cả ý chí, với tất cả tình cảm, trong tất cả các quyết định. Yêu mến Thiên Chúa từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ khi còn bé cho đến khi tóc bạc, răng long, từ đời sống nội tâm cho đến những trách nhiệm và hoạt động bên ngoài. Cho dù có nói gì đi nữa, chúng ta sẽ không yêu mến Thiên Chúa thực sự, nếu chúng ta không tôn trọng thánh ý ngài trong gia đình, nơi làm việc, trong những khi giải trí, trong khi chọn sách để đọc, phim ảnh để xem, chọn những nơi và những người chúng ta thường lui tới. Theo Chúa Giêsu, tình yêu Thiên Chúa phải lấp đầy cả cuộc đời chúng ta.
Rồi đến tình yêu tha nhân càng dễ bị đánh lừa hơn nữa. Tình yêu nầy càng dễ bị bóp méo, dễ bị làm biến dạng hơn tình yêu Thiên Chúa. Khi nói yêu mến một người, chúng ta yêu mến người đó vì chúng ta, để lợi dụng… hay là chính vì người đó thực sự ?- Coi chừng đó là tình yêu của chó sói đối với con cừu non. Ngược lại, khi một bà mẹ yêu mến con mình, bà có thể hy sinh cho con. Đối với Chúa Giêsu, thật là rõ ràng, chỉ có tình yêu đích thực, khi trao hiến mạng sống cho người mình yêu. “ Hãy yêu mến tha nhân như chính mình con”, nghĩa là một tình yêu biết tôn trọng hạnh phúc người như là hạnh phúc của chính mình. Đó là khuôn vàng thước ngọc của tình yêu chân chính: “ Tất cả những gì các con muốn người khác làm cho các con, hãy làm cho họ đi”. Như thế, không phải chỉ nói: “tôi yêu anh” là đủ, mà còn phải kiểm chứng lại xem đã yêu thương bằng thứ tình yêu nào. Tình yêu ích kỷ, hay tình yêu hy sinh, phục vụ ?-
**Tình yêu Thiên Chúa là bảo đãm cần thiết cho tình yêu nhân loại. Khả năng hy sinh cho Thiên Chúa là sự bảo đãm, là sự xác nhận, là bước đầu tập luyện những sự từ bỏ của chúng ta cho tình yêu anh em. Không thể thay thế cho nhau, hai giới răn nầy củng cố cho nhau. Nếu muốn trung thành với Chúa Giêsu, chúng ta không thể chỉ yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng phải yêu mến anh em. Nhưng chúng ta không thể chỉ yêu mến anh em, chúng ta cũng phải yêu mến Thiên Chúa nũa.
Hiểu như thế, thì sở dĩ ngày nay có biết bao tình yêu tan rả, phải chăng là vì người ta đã quên Phúc Am. Lời Chúa cũng liên quan đến chúng ta. Không ai trong chúng ta yêu thực sự như Chúa Giêsu đã yêu Chúa Cha và nhân loại. Vì thế, chúng ta hãy thường xuyên nuôi dưởng chính mình bằng Lời và cuộc sống của ngài, để có thể tránh những hiểu lầm trong tình yêu. Mỗi thánh lễ đều nhắc nhở chúng ta về kiểu mẫu tình yêu nầy của Chúa Giêsu. Ngài đã yêu thương đến cùng, cho đến chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta.