Trong mỗi thánh lễ, chúng ta công bố: chúng ta loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho đến khi Chúa lại đến. Chúa lại đến. Vào ngày Cánh chung. Để phán xét, phân xử. Để ân thưởng, hay luận phạt. Thế nhưng, ngày Chúa đến sẽ là khi nào ?- Chúng ta có thực sự chờ đón hay không ?- Những câu hỏi đó sẽ luôn luôn đeo đuổi những ai quan tâm đến số phận đời đời của mình.
Chúng ta biết rằng, thế giới nầy rồi sẽ có hồi kết thúc. Sẽ có lúc không còn gì cả. Qui luật vật chất sẽ làm cho tât cả mọi sự trên trần gian hao mòn và tiêu hủy. Đó là điều chắc chắn. Các nhà khoa học đều có thể khẳng định sự thật đó. Khi thế giới không còn nữa, đó là ngày tận thế.
Tuy nhiên, ngày Chúa đến không chỉ đơn thuần là ngày tận thế u ám, bi quan. Mà là ngày chấm dứt thời gian chờ đón Con Thiên Chúa trở lại. Đó là ngày bắt đầu một kỷ nguyên mới trong niềm vui vô biên, trong sự sống sung mãn, trong tình yêu trọn vẹn, tràn đầy. Hoàn toàn không biết khi nào, nhưng chúng ta được Chúa Giêsu cho biết những dấu chỉ báo trước. Có rất nhiều biến cố quan trọng xảy ra. Nào là những điềm lạ trên trời, ở mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Nào là nhân loại lạc hướng, chạy theo các tiên tri giả, các tà thuyết. Nào là chiến tranh, đói kém, động đất, các môn đệ bị bách hại, với một thời kỳ khốn quẩn v.v. Tất cả chỉ là để loan báo sự can thiệp của Thiên Chúa. Tất cả chỉ cho biết một biến cố vui mừng đặc biệt đã gần: Con Thiên Chúa đến lần thứ hai. Như mùa hè đang đến, báo hiệu mùa xuân huy hoàng với những mầm non xanh tươi, đầy sức sống. Chấm dứt hoàn toàn lịch sử nhân loại, ngài sẽ ngự đến trên mây trời, trong vinh quang và quyền lực, cùng với các thiên thần để qui tụ tất cả những người được tuyển chọn và yêu mến, đưa vào hưởng hạnh phúc hoàn toàn và bền vững.
Chúa lại đến. Đó là điều chắc chắn. Đó là ngày tràn đầy hy vọng và niềm vui. Đó là ngày cứu độ cho những ai mong đợi. Thế nhưng, chúng ta đã ý thức và chuẩn bị chờ đón ngày đó như thế nào ?-
Thực ra, đối với một người luôn tin tưởng và yêu mến, thì việc không biết trước ngày, giờ Chúa đến, sẽ làm tăng thêm nỗi khao khát, mong chờ. Tình yêu tha thiết sẽ thúc đẩy những nổ lực làm cho ngày ấy mau đến, bằng những phương tiện sẵn có, bằng cả cuộc sống.
Chờ đợi, nhưng là một sự chờ đợi trong tỉnh thức và nhạy bén, để có thể nhận ra những dấu chỉ của Chúa, để không bỏ lở cơ may, để không hụt hẩng khi ngài đến.
Chờ đợi trong sự cầu nguyện liên lĩ, kết hợp thân tình, trong một tư thế sẵn sàng đón tiếp, cho dù ngày đó có đến bất ngờ, không được báo trước. Bởi vì hình ảnh, tình yêu và con người của ngài vẫn luôn hiện diện trong tâm hồn, trong trí khôn của mình.
Chờ đợi một cách chủ động, chứ không thụ động. Không phải cứ ù lì, ngồi yên, không làm gì cả. Mà là năng động, làm việc, sống Tin Mừng Tình Yêu của ngài, làm theo thánh ý của ngài, tuân giữ và thưc hiện những lời giáo huấn của ngài trong cuộc sống hằng ngày.
Chờ đợi trong sự kiên trì và can đảm, trước những nghịch cảnh, thử thách, khó khăn. Trong sự trung thành và tin tưởng, trước những cám dỗ lôi cuốn, trước những quyến rũ mê hoặc, trước những giá trị phù hoa, giả trá. Bởi vì đó là chính là những dấu chỉ của tình yêu đích thực.
Phong cách chờ đợi như thế sẽ giúp chúng ta luôn sống trong bình an, tin tưởng, cậy trông và hy vọng, đón mừng Chúa đến với chúng ta, đem lại hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn cho chúng ta.