Thứ Năm, 07 Tháng Sáu, 2018 00:00
Chúa nhật X Quanh năm B ( Mc 3, 20-35 )

“Nếu kẻ nào nói phạm thượng đến Chúa Thánh Thần, muôn đời sẽ không bao giờ được tha.” Tội này là tội gì mà quá nặng đến nỗi không thể được tha ?-

Đó chính là sự từ chối chính Thiên Chúa và tình yêu thương xót của ngài. Phạm tội chống lại Chúa Thánh Thần, nghĩa là nói không với sự sống mà Thiên Chúa ban tặng, là tự giam mình trong chính mình, là không đón nhận một cách rõ ràng tất cả hành động của Thiên Chúa với chính mình, là tự tạo thành vỏ bọc chống lại sự dịu dàng của Thiên Chúa. Trước một thái độ như thế, về phía chúng ta, Thiên Chúa không thể làm gì được cả; bởi vì ngài đã tạo dựng nên chúng ta tự do, và ngài muốn tôn trọng cho đến cùng, tất cả những chọn lựa của chúng ta được thực hiện trong tất cả sự ý thức và trách nhiệm.

Đó là điều xảy ra khi chúng ta tự đóng kín chính mình lại đối với Chúa Thánh Thần, và khi chúng ta từ chối ngài. Đó là cái chết.

Tuy nhiên, thái độ khác cũng cần được xem xét là, mở rộng lòng ra cho Chúa Thánh Thần. Các bài đọc chúa nhật này giúp soi sáng về số phận của những người bằng lòng sống với Chúa Thánh Thần, và sống trong sự soi sáng và ơn huệ của ngài.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn về Chúa Giêsu. Không một chút nghi ngờ gì cả, Chúa Giêsu luôn luôn phó thác vào Chúa Thánh Thần và ngài đã luôn luôn hoàn thành tất cả mọi sự dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Mà, hôm nay chúng ta nhìn thấy ngài hành động bằng một cách mà những người trong gia đình của ngài không hiểu gì cả. Họ nói:“ Ong ấy mất trí rồi ! Ong điên rồi !”. Tại sao lại có một phán đoán khắt khe như thế ?- Bởi vì Chúa Giêsu không chấp nhận, không muốn phải chấp nhận lẩn tránh khỏi những người đang ồ ạt đến với ngài. Người ta đến với ngài từ khắp nơi, ngài ta giới thiệu với ngài, giờ này qua giờ khác, những người đau bệnh, những người bị quỷ ám, những người đáng thương trong cuộc sống. Người ta không để cho ngài một chút thời gian nghỉ ngơi. Những người thân thuộc trong gia đình của ngài nghĩ rằng, với một nhịp điệu sống và làm việc như thế, ngài sẽ không chịu đựng được lâu dài, ngài sẽ chết mất. Xét theo một nghĩa nào đó, họ có lý. Thế nhưng nơi Chúa Giêsu, có một sự đam mê nhiệt tình phục vụ, chữa lành, nuôi dưỡng, làm cho sống… Ngài không thể không tự hiến mọi lúc, một cách hoàn toàn. Chúa Thánh Thần hướng dẫn ngài và nâng đỡ ngài.

Khi hành động với một chút điên rồ, bởi vì chúng ta yêu mến, bởi vì chúng ta muốn phục vụ, bởi vì chúng ta cố gắng bắt chước Đức Kitô, bởi vì chúng ta muốn phục vụ Thiên Chúa và anh chị em một cách mãnh liệt, đó là dấu chỉ cho thấy, Chúa Thánh Thần đang ngự trong chúng ta, và chúng ta đáp lại lời mời gọi của ngài. Chúa Thánh Thần soi sáng và thúc đẩy chúng ta yêu mến, chia sẻ, đón tiếp, tha thứ, đôi khi với một chút điên rồ. Đó là điều tự nhiên. Đi đến tận cùng như thế trong tình yêu, không phải là điên rồ, mà là chấp nhận sự điên rồ của tình yêu.

Phần cuối của bài Tin Mừng giúp chúng ta hiểu được đâu là tác động của Chúa Thánh Thần trên những con người biết đón tiếp ngài. Chúa Giêsu hỏi: “ Ai là mẹ Ta ?- Ai là anh chị em Ta ?-“ Câu hỏi này gây ngạc nhiên; bởi vì ngài biết rõ, ai là mẹ của ngài, ngài biết rõ các thành viên trong gia đình của ngài. Tuy nhiên, ngài vẫn đặt câu hỏi để giúp cho hiểu biết rằng, người ta có thể duy trì với ngài những liên hệ thân thiết, thân thiết hơn là những liên hệ máu huyết.

Ngài công bố: “ Ai thực hiện thánh ý của Thiên Chúa, người đó là Anh Em Ta, Chị Em Ta, là Mẹ Ta”. Mà, chính Chúa Thánh Thần đã làm cho nhìn thấy, đâu là thánh ý của Thiên Chúa, và chính ngài tạo năng lực chu toàn thánh ý đó một cách trọn vẹn. Như vậy, chính nhờ Chúa Thánh Thần mà chúng ta trở thành những người thân thiết của Đức Kitô: Anh Em, Chị Em của ngài. Nếu sự từ chối và sự cự tuyệt Chúa Thánh Thần làm xa cách Thiên Chúa và Đức Kitô, thì sự đón nhận Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng ta vào trong sự thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong bài trích thư gởi tín hữu thành Corintô mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô trình bày cho biết một hoạt động khác của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô nói về sự sống nhân loại sẽ tàn lụi với thời gian. Từng chút một, qua những năm tháng, chúng ta nhìn thấy sức lực của chúng ta giảm bớt đi, những năng lực của chúng ta yếu dần đi. Chúng ta ý thức rằng, chúng ta tất cả sẽ đi đến cái chết. Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh của sự vật. Còn một khía cạnh khác nữa. Dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô khẳng định, trải qua các năm tháng, cuộc sống của chúng ta được đổi mới từ bên trong. Chúa Thánh Thần vun trồng trong chúng ta một năng lực thần thiêng cho phép đi qua cái chết, và bước vào một cuộc sống khác: cuộc sống vĩnh cửu thân thiêng của Thiên Chúa.

Như thế, thời gian trôi qua được đánh dấu bằng cái chết và sự sống. Bên ngoài, chúng ta đi về cái chết. Bên trong, Chúa Thánh Thần sinh chúng ta trong một cuộc sống mới, nối kết chúng ta với Đức Kitô phục sinh và ngài tạo cho chúng ta năng lực sống một cảm nghiệp phục sinh giống Đức Kitô, một cảm nghiệm căn bản giúp chiến thắng sự chết.

Đó chính là hành động của Chúa Thánh Thần: hành động của Chúa Thánh Thần đã tháp tùng Đức Kitô suốt cuộc đời trần gian của ngài; hành động của Chúa Thánh Thần đã làm cho ngài phục sinh; hành động của Chúa Thánh Thần mà nhờ đó, chúng ta sẽ được sống lại. Đó là hành động của Chúa Thánh Thần mà chúng ta tiếp nhận và chúng ta cử hành trong mỗi thánh lễ của bí tích Thánh Thể thần thiêng cao quý.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com