Lễ Thánh Gia Thất giúp chúng ta liên tưởng đến gia đình, đến những giá trị truyền thống, căn bản và chính yếu mà Thiên Chúa đã đặt định nơi mái ấm của mỗi con người trong xã hội. Với Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse, Thánh gia thất là một gương mẫu cho các gia đình nhân loại. Cho dù ngày nay phải chịu đựng rất nhiều áp lực và biến đổi, các gia đình vẫn còn giữ nguyên những giá trị mà nếu không được tôn trọng, thì cơ chế gia đình sẽ bị đổ vở và con người sẽ trở nên hụt hẫng, bấp bênh, què quặt, bất hạnh.
Trước hết, gia đình là nơi trao ban và đón nhận sự sống. Con Thiên Chúa xuống thế làm người cũng đã chọn gia đình làm điểm tựa đầu tiên trong hành trình cứu chuộc, cũng có một người mẹ bình thường như những người khác. Thực vậy, người ta sinh ra trong gia đình. Người ta lớn lên, phát triển, và được giáo dục trong gia đình. Một khi đã trở nên trưởng thành, đến lượt mình, người ta lại xây dựng một gia đình mới. Và cứ như vậy, gia đình tiếp tục tồn tại trên trần gian cho đến ngày tận thế. Đó là một đặc ân được trao ban, cho phép con người cộng tác với Đấng Tạo Hóa trong việc truyền sinh dòng giống loài người. Vì thế, gia đình cần phải được trân trọng, yêu mến.
Thứ đến, những giá trị của cuộc sống được chuyển thông trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp và rất sâu đậm trên con người và xã hội. Ai trong chúng ta có thể đánh giá được tất cả những gì mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận được từ Đức Maria và thánh Giuse trong khoảng ba mươi năm sống ẩn dật. Trong gia đình nhân loại này, ngài đã học hỏi, và tập tành để thành nhân, thành người con của dòng tộc Israel. Trung thành với Lề luật của Thiên Chúa, Đức Maria và thánh Giuse đã chuyển thông cho con trẻ Giêsu di sản thiêng liêng quí giá làm nền móng căn bản cho Tin Mừng tình yêu của ngài sau này. Như thế, gia đình có sứ mạng chuyển thông đức tin và những giá trị nhân bản cần thiết cho phẩm giá con người.
Đồng thời, gia đình cũng là nơi hiệp thông và liên đới. Chính ở trong gia đình mà các mối dây liên hệ tình thân đầu tiên được nối kết, và đan xen giữa những con người thương mến. Đây là nơi mà mỗi người học hỏi để biết nhìn nhận người khác, sẵn sàng tôn trọng chỗ đứng và vai trò của họ trong cuộc sống. Cũng chính ở nơi đây, người ta tập sống liên đới với người khác, một sự liên đới không thể thiếu để giúp phát triển nhân cách của riêng mình và của anh em chung quanh. Không ai là một hòn đảo. Sống luôn luôn là sống cùng, sống với người khác. Do đó, phẩm chất đời sống của riêng mình tùy thuộc phần lớn ở những mối liên hệ mà mỗi người trao đổi với người khác.
Ngoài ra, gia đình còn là tổ ấm tình yêu, là nơi chia sẻ và trao hiến cho nhau. Điều đó rất đúng cho mỗi thành phần trong gia đình. Con trẻ sẽ không thể sống hạnh phúc ngay giữa gia đình, nếu từ chối chia sẻ và quên mình vì người khác. Sự sống của Cha mẹ từ đầu cho đến cuối, luôn luôn được đánh dấu bởi sự hy sinh, trao hiến và chia sẻ. Làm cha, làm mẹ có nghĩa là gì, nếu không phải là cho đi và chia sẻ những gì mình có và những gì là chính mình, từ ngày này qua ngày khác ?- Tình cha nghĩa mẹ là nét cao trọng của con người, bởi vì tất cả đều phát xuất từ tình phụ tử của Thiên Chúa, kiểu mẫu của mọi người cha, người mẹ.
Tuy nhiên, sống những thực tại đó thực ra không phải là dễ. Trao ban sự sống, làm cho sự sống lớn lên, bảo vệ và làm phát triển sự hiệp thông giữa các phần tử trong chính gia đình, học tập chia sẻ và tự hiến thân mình để cho người khác được hạnh phúc .v.v. điều đó không phải luôn luôn là điều đương nhiên, và chắc chắn cũng không thể nào tránh khỏi những giờ phút đau khổ, thất vọng và lo lắng. Từ đó, chúng ta có thể nói, về một phương diện nào đó, gia đình là nơi ghi dấu ấn của mầu nhiệm phục sinh. Chết đi để sống lại. Trải qua đau khổ trước khi đi đến niềm vui. Đó là sự Phục sinh. Gia đình, nếu được hiểu biết và sống trọn vẹn như thánh ý Chúa, là một lễ vượt qua, một sự sống lại trong hạnh phúc bất diệt.
** Trước những khủng hoảng về gia đình trên thế giới, với những méo mó lệch lạc trong cách sống, đi kèm với tệ nạn xã hội ngày càng nhiều và mãnh liệt, lễ Thánh Gia Thất là một lời mời gọi, động viên, khuyến khích, cũng như nâng đỡ tình thần cho tất cả mọi người chúng ta. Các tệ nạn như kỳ thị, phân biệt đối xử về giới tính, những bạo hành đối với phái yếu và những trẻ em còn yếu ớt, những trào lưu xâu xé gia đình với hiện tượng ly dị, sống thử, nạn bóc lột sức lao động và lạm dụng các thanh thiếu niên, hay xì ke, ma túy, mãi dâm… tất cả là những thách đố cần phải giải quyết đối với người kitô hữu. Chúng ta phải làm gì trước thực trạng đó ?- Câu trả lời chỉ có thể là hãy nhìn, hãy sống và làm theo Thánh Gia Thất. Xin Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse đoái thương và giúp đỡ chúng ta.