Ba lần, Chúa Giêsu chịu Satan cám dỗ: “ Nếu Ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh mà ăn.” – “ Nếu Ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho Ông tất cả quyền hành và vinh quang của các nước trên thế giới” – “ Nếu Ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống đất từ góc cao Đền Thờ; thiên thần sẽ gìn giữ Ông.”
Ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu đương đầu hoàn toàn có tính cách tiêu biểu. Chúng tượng trưng cho những nguy cơ chết người, luôn luôn có mặt trong cuộc sống, có thể làm cho con người chúng ta sa ngã, hư mất, diệt vong. Đó là những cám dỗ về sở hữu, về quyền lực và ngẫu tượng…
Cái khát vọng sở hữu khích động và xúi dục chúng ta luôn cậy dựa cuộc đời chúng ta vào những cái chúng ta có, vào cái kho tàng chúng ta tích trữ, càng nhiều càng bảo đảm, đi kèm với cái chứng ham muốn và khao khát chiếm hữu của cải không bao giờ thỏa mãn, cả tiền bạc và thú vui, cả những tiện nghi xa xỉ không cần thiết… cho đến độ quên lãng Thiên Chúa và hạnh phúc thiên đàng, đánh mất linh hồn.
Cái tính ham hố thống trị và điều khiển, bắt mọi người nể phục, lệ thuộc, khiến chúng ta nghiêng chiều về sự độc tài trong quyền lực, độc đoán trong quyền hành, áp đặt ý chí của riêng mình, luôn luôn cho mình là đúng, ép buộc người khác phải theo, cho đến độ đàn áp, chèn ép, đè bẹp người khác, sử dụng người khác như đồ vật, để thỏa mãn tính ích kỷ, kiêu ngạo, tự phu..
Sự say mê xuất hiện và tự phô trương, “ làm nổi” thúc đẩy chúng ta đi đến chỗ điên cuồng thích được yêu chuộng, được đề cao, được tỏa sáng, được tôn sùng như thần tượng; và từ đó trỡ thành “ ngẫu tượng”: tưởng mình vinh quang như thần thánh, như Thiên Chúa, nhưng thực ra cũng chỉ là con người với rất nhiều giới hạn, khiếm khuyết, lỡ lầm, tội lỗi. Các phương tiện truyền thông, các chương trình quảng cáo… thường thổi phồng và cổ vũ cho cái khao khát phô trương, “ làm nổi” này.
Điều đáng lưu ý là, những cơn cám dỗ trong sa mạc đã đến với Chúa Giêsu đúng vào lúc mà ngài bị suy yếu đi trong bản tính nhân loại của ngài: ngài đói sau một thời gian dài chay tịnh; ngài không có một quyền lực nào khác ngoài cái quyền lực của việc phục vụ; ngài chỉ có một mình, không ai biết; ngài bị tước đi tất cả mọi thứ vinh quang…
Cũng vậy, mỗi người trong chúng ta đều biết rõ những cơn cám dỗ đến từ những yếu đuối, bản năng và cả những ảo tưởng của chính mình. Không một ai, cho dù có kiên vững trong đức tin đến mấy đi nữa, cũng không thoát khỏi. Cơn cám dỗ xảo trá đến bất chợt, vào lúc mà chúng ta không ngờ, vào cái thời điểm mà chúng ta ít chờ đợi nhất. Nó không phải là tội lỗi, nhưng nó có thể làm cho vấp ngã, chìm đắm.
Vì thế, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “ Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để không sa chước cám dỗ…”Chính Đức Kitô cũng đã bị cám dỗ, và theo thánh Augustino, là “ để dạy dỗ chúng ta, hướng dẫn chúng ta và giúp chúng ta chiến thắng các cơn cám dỗ”.
Vì thế, hãy coi chừng ! Tất cả chúng ta đều có một lãnh vực mỏng dòn yếu đuối, “ một khiếm khuyết trong bộ áo giáp”, “ một điểm yếu chết người” trong bản tính con người, mà chúng ta biết hoặc không biết. Sớm hay muộn, sự nguy hiểm sẽ xuất hiện trên cái “ lỗ hổng” này, nơi cái điểm yếu này. Chắc chắn chúng ta đã có những kinh nghiệm cay đắng về vấn đề này.
Thế nhưng, lúc mà dân Israel đã thất bại nơi sa mạc, thì Con Thiên Chúa đã đứng vững. Nơi ngài chính là sức mạnh kháng cự mãnh liệt và hiệu quả của chúng ta.
Qua ba lần, Chúa Giêsu chống đỡ tên cám dỗ bằng cách trích dẫn Kinh Thánh. Lời Chúa chính là vũ khí phòng vệ của ngài. Làm thế nào mà không nhìn thấy nơi đó là một phương thế có hiệu quả tuyệt vời, để sống đức tin vững mạnh ?- Đón nhận Lời Chúa, đọc và lắng nghe Lời Chúa, nội tâm hóa và sống Lời Chúa, trong cuộc sống đời thường, là một cái khiên thuẫn chắc chắn và hiệu quả, để vượt qua những thử thách và chống lại các cơn cám dỗ và sự dữ của ác thần.
Chúa Giêsu khẳng định: “ Người ta sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi Lời Thiên Chúa phán ra”. Vì thế, Kinh Thánh phải là một cuốn sách mở ra cho chúng ta, trong nhà chúng ta và trong gia đình chúng ta.
Nơi bí tích Thánh Thể, trong Thánh lễ, chúng ta hãy có mặt đúng lúc để chăm chú lắng nghe và suy ngẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh, là lương thực nuôi dưỡng đức tin và linh hồn chúng ta.
Một trong những nỗ lực cần thiết nhất trong Mùa Chay chắc chắn phải là sống Lời Chúa, bằng cách siêng năng đọc và lắng nghe Lời Chúa, tìm biết thánh ý Chúa và đem ra thực hiện trong cuộc sống, để có thể cảm nhận được tình yêu, lòng thương xót, ơn tha thứ và Ơn Cứu Độ muôn đời.