Là Thiên Chúa thật, Chúa Giêsu cũng là người thật. Thời gian ẩn dật tại Nagiarét, thần tính của ngài được ẩn dấu,che khuất. Ba mươi năm trước đó, ngài để cho thấy ngài là một người thợ mộc bình thường. Hôm nay, với sự biến hình, ngài xuất hiện như Thiên Chúa. Diện mạo ngài trở nên khác thường. Ao ngài trở nên trắng tinh sáng láng. Môisen và Elia, những nhân vật đã qua đời cách nay nhiều thế kỷ, uy nghi hiện ra đàm đạo với ngài về sự ra đi để cứu chuộc nhân loại của ngài.
Thế nhưng điều đáng để ý là, Chúa Giêsu đã biến hình trong khi cầu nguyện. Phải chăng điều đó muốn nói lên rằng, sự tỏ hiện thiên tính của ngài như một biểu hiện tất yếu của việc cầu nguyện. Đây là những giây phút quý báu của ngài như là một người Con. Ngài trực tiếp thông hiệp với Chúa Cha. Ngài sống thân mật với Đấng đã sai ngài. Ngài tâm sự với Cha về sứ mạng được trao phó. Và trong sự kết hợp sung mãn đầy yêu thương, vinh quang Thiên Chúa tràn ngập con người của ngài đã lan tỏa ra bên ngoài, khiến cho những ai chứng kiến đều phải kinh ngạc, sửng sốt. Chúng ta cũng thấy trường hợp tương tự nơi Môisen ngày xưa trên núi Sinai. Sau khi gặp gỡ Thiên Chúa trên núi cao trong bốn mươi đêm ngày, gương mặt của Môisen tỏa sáng chói lọi, khiến cho dân Do Thái không thể nào trực tiếp nhìn vào ông. Vì thế, ông đã phải dùng một tấm màn mỏng để làm giảm bớt ánh vinh quang Thiên Chúa tỏ lộ ra nơi ông.
Một chi tiết khác cũng không kém phần quan trọng. Đó là biến cố biến hình đã xảy ra giữa cơn thử thách. Thực vậy, biến cố biến hình xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ nhất về cuộc Khổ nạn, và trước lần loan báo thứ hai. Đối với người không hiểu biết, đó là một thất bại. Dân Do Thái và các nhà lãnh đạo đã không hiểu biết, nên đã không chấp nhận một Đấng Cứu Thế khiêm nhường, dịu hiền, và hy sinh như thế. Họ đã tìm cách loại trừ ngài. Ở đây, Môisen và tiên tri Elia lại đàm đạo với ngài về cái chết của ngài sắp tới. Và như thế, cũng là để xác nhận rõ ràng, ngài là Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho muôn người. Thực ra, ý nghĩ về cái chết cứu độ vẫn luôn luôn hiện diện nơi Chúa Giêsu. Những giây phút cầu nguyện không phải là trốn chạy thực tại. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp ngài vững vàng dấn thân hơn trong sứ mạng cứu độ nhân loại, giữa bao thử thách, khó khăn, cám dỗ… Khi hấp hối trong vườn Cây Dầu, chính ngài cũng đã cầu nguyện tha thiết, xin cho khỏi phải uống chén đắng, nhưng vẫn vâng theo thánh ý Chúa Cha.
*** Biến cố biến hình ít nhất có hai ý nghĩa quan trọng nầy.
Trước hết, đó là lời mời gọi hãy cầu nguyện liên lĩ. Cầu nguyện, nhưng không phải là bắt Thiên Chúa phải đi vào trong quan điểm của chúng ta, mà giúp chúng ta đi vào trong cái nhìn của Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta kết hợp mật thiết với Chúa. Chúng ta sẽ khám phá ra, ngài luôn luôn âu yếm nhìn chúng ta, săn sóc chúng ta. Nếu chúng ta có thói quen nhìn lại chính mình và những người khác, như cái nhìn của chính Thiên Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ có một thái độ hoàn toàn khác đối với nhau. Bởi vì, cầu nguyện sẽ giúp chúng ta kết hợp với Chúa, biến đổi chúng ta tận thẩm sâu tâm hồn, nâng chúng ta lên khỏi những chuyện vụn vặt tầm thường của cuộc sống, hướng chúng ta về anh em đồng loại, và về hạnh phúc trong Nước Trời.
Đồng thời, đó cũng là lời mời gọi thi hành thánh ý Chúa, như Chúa Giêsu, dù có phải gặp những khó khăn, thử thách, nguy hiểm. Thánh ý Chúa, chúng ta có thể khám phá ra từ từ, khi cố gắng tìm biết theo ánh sáng của Đức Tin, theo sự soi dẫn của Tin Mừng Phúc Am, qua những biến cố cuộc đời và qua những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống.