Lễ Hiện Xuống cũng còn được gọi là lễ Ngũ Tuần. Trước hết đó là một lễ của người Do thái. Vào ngày này, người ta tưởng niệm việc Thiên Chúa trao ban cho Môisen, trên núi Sinai, hai tấm bia lề luật.
Ngày nay, các người kitô hữu vẫn mừng lễ Hiện xuống, bởi vì Thiên Chúa hiện ra, không phải để trao ban Lề luật, mà là hơi thở, sự sống và Thần khí của ngài. Thiên Chúa khởi đầu một Giao Ươc mới, ký kết với mỗi người chúng ta. Hơi thở của Thiên Chúa vào lúc khởi nguyên của thế giới đã làm cho nước phì nhiêu phong phú để sản sinh ra công trình tạo dựng. Hơi thở của Thiên Chúa đã âu yếm chiếm hữu thân xác của Đức Maria khi thiên thần cúi chào trinh nữ đầy ơn phúc. Hơi thở của Thiên Chúa giờ đây tràn ngập căn phòng tiệc ly để xua trừ sự sợ hãi, và động viên các tông đồ trở thành nhân chứng của Đức Kitô phục sinh.
Tác động của Chúa Thánh Thần đã có một hiệu quả tuyệt diệu. Giờ đây, những con người nhát đảm đã dám xuất hiện công khai. Họ nói chuyện với đám đông những khách hành hương Do thái từ khắp các xứ sở xa xăm tụ về. Tất cả mọi người đều hiểu biết lời họ nói, dù không cùng một ngôn ngữ. Tất cả mọi người đều nắm vững sứ điệp họ loan truyền, cho dù tiếng nói có khác nhau. Điều quan trọng ở đây không phải là phép lạ, mà là có một điều gì đó rất mới mẻ. Có một điều gì hoàn toàn chưa từng có đã xảy ra.
Chúng ta còn nhớ, theo Thánh Kinh, ngày xưa tất cả đều nói một thứ ngôn ngữ duy nhất. Tất cả đều có thể hiểu nhau dễ dàng. Thế nhưng tại Babel, con người đã bắt tay xây dựng một ngọn tháp rất cao, muốn chạm đến trời. Họ ngây thơ nghĩ rằng, họ có thể cư xử ngang hàng với Thiên Chúa. Họ dại dột cho rằng, mình quyền phép bằng Thiên Chúa. Để trừng phạt họ về sự kiêu ngạo hoang tưởng này, Thiên Chúa đã làm đổi khác các thứ ngôn ngữ của họ, đến nỗi họ không thể hiểu nhau được.
Giờ đây, sự trừng phạt ngày xưa đã được gỡ bỏ. Sự lẫn lộn ngôn ngữ và chia rẽ con người với nhau đã biến mất. Bởi vì, ở tại Giêrusalem, tất cả mọi người đều đã hiểu biết lời các tông đồ giảng thuyết. Thập giá đã chiến thắng Hỏa ngục, bởi vì con người lại nhận ra nhau. Nơi con người của các tông đồ, chính là hiện thân Dân Riêng mới của Thiên Chúa. Họ hiểu nhau. Họ nhận ra nhau. Họ sống cho mọi người đều biết. Họ tuyên xưng niềm tin của họ bằng những lời nói bừng cháy như ngọn lửa. Họ sống đức tin mãnh liệt trong tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu bừng cháy có khả năng làm chúng ta sống lại, làm cho chúng ta có thể bắt đầu lại, làm cho chúng ta luôn vui sống.
Đó là chứng từ kitô giáo. Như Chúa Giêsu đã nói, chính ở việc chúng ta yêu thương nhau, mà người ta có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của ngài. Nếu, thay vì chỉ trích lẫn nhau, thay vì loại trừ nhau, chúng ta trước hết hãy quan tâm để cho Thần khí Thiên Chúa thấm nhập vào con người chúng ta, Thần khí của Thiên Chúa sẽ cứu thoát chúng ta và tất cả thế giới. Bởi vì sứ mạng của chúng ta là hủy diệt tội lỗi. Chúng ta hủy diệt tội lỗi, nhưng không phải bằng cách kết án tội nhân. Hơn nữa, thử hỏi chúng ta lấy danh nghĩa nào để làm chuyện đó, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân như nhau. Chúng ta hãy hủy diệt tội lỗi nơi người khác bằng cách yêu mến người ấy. Không có gì có thể cứu thoát cho bằng một cử chỉ yêu thương thật sự. Chúa Giêsu đã đi đến cùng trong chiều hướng này, và ngài đã cứu thoát thế giới. Các môn đệ của ngài cũng phải đi theo con đường đó. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con đường yêu thương, phục vụ và hy sinh sẽ là con đường đưa đến hạnh phúc đích thực, giúp mọi người vui hưởng sự sống viên mãn trong Nước Chúa.
Đó chính là con đường của chúng ta.