Lễ Thăng Thiên, Chúa Giêsu về trời, khiến chúng ta liên tưởng đến Trời. Và từ đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi về cõi trời.
Trước hết, Trời ở đây không phải là một cung điện, một lâu đài hay một vườn thượng uyển sang trọng, đài các, một nơi chốn tuyệt vời mất hút trong những đám mây dày đặc, hay trong không gian mênh mông, nơi mà một Thiên Chúa không thể hiễu được ngự trị, ít để ý đến cuộc sống con người trần gian.
Thực ra, Trời ở đây là một trạng thái mới, một cuộc sống mới, hoàn hảo và vĩnh cửu. Trời chính là sự hiện diện, và ở với Thiên Chúa, sống trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, trong hạnh phúc và vinh quang của ngài, tham dự vào sự sung mãn vô biên và vĩnh cửu của ngài. Đó là sự tròn đầy, sung mãn, đáp ứng tất cả mọi khát vọng của con người, vượt qua tất cả những gì mà chúng ta có thể ước muốn và tưởng tượng.
Như thế, nói Chúa Giêsu về Trời là nói Chúa Giêsu bước vào một đời sống mới, một trạng thái mới, hay hơn nữa, một cách sống mới ngoài không gian và thời gian, đó là đời sống vĩnh cửu. Khi nói, ngài ngự bên hữu Thiên Chúa, trên các thiên thần và mọi tạo vật, là mượn những hình ảnh trong Kinh Thánh để diễn tả vinh quang và quyền năng thần thiêng và vô biên của ngài, sự đồng hàng của ngài với Thiên Chúa Cha, như là một Thiên Chúa, sự trỗi vượt của ngài trên tất cả mọi loài thụ tạo.
Thực ra, khi phục sinh từ trong cõi chết, Chúa Giêsu đã về Trời rồi, nghĩa là ngài đã bước vào sự vinh quang và sự thân mật với Thiên Chúa Cha, trong một cuộc sống hoàn toàn khác với chúng ta, hoàn toàn khác với cuộc sống mà ngài đã sống trước khi chịu chết trên thập giá. Chính vì thế mà khi ngài sống lại, các tông đồ khó lòng nhận ra ngài. Ngài hiện ra và biến đi như một thần linh, thân xác của ngài không còn lệ thuộc vào vật chất và không gian nữa.
Như thế, sự Thăng Thiên của ngài không thêm gì cả cho trạng thái phục sinh của ngài. Thăng Thiên chỉ là lần hiện ra sau cùng sau khi ngài sống lại, để thay thế cho một sự hiện diện thiêng liêng, nhưng rất thực và phổ quát của ngài. Chúa Giêsu ở lại với chúng ta một cách thiêng liêng, không thể trông thấy, nhưng rất thiết thân, như ngài đã hứa: « Thầy sẽ cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ». Ngài ở trong Giáo Hội mà ngài nâng đỡ cách đặc biệt. Ngài ở với chúng ta, và ở trong chúng ta, như ngài đã từng nói: « Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. Và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy ».
Đối với Chúa Giêsu, Trời là sự thành công chung cuộc, là sự thống trị toàn diện, là sự triển nở hoàn toàn và chân thực trong vinh quang và trong hạnh phúc vĩnh cửu. Và chúng ta cũng được Chúa Giêsu mời gọi đến cũng chính sự thành công như thế, cũng chính một sự triển nở như thế, cũng chính một hạnh phúc vĩnh cửu như thế: « Thầy sẽ dọn chỗ cho các con. Và Thầy sẽ trở lại đưa các con theo Thầy. Thầy ở đâu, các con cũng sẽ ở đó ».
Như thế, cuộc đời chúng ta ở trần gian không có mục đích nào khác, ngoài việc hướng về Quê Trời. Thế nhưng, Trời là một phần thưởng, như Chúa Giêsu đã từng cho biết: « phần thưởng của các con sẽ rất lớn lao trên trời ». Mà phần thưởng thì cần phải cân xứng với công lao. Do đó, phần thưởng cao quý và vĩnh cửu thiên quốc nầy được dành cho những ai yêu mến Chúa thực sự. Yêu mến Chúa thì giữ các giới luật của Chúa, cách riêng là giới luật yêu thương.
Như thế, chịu phép Rửa tội mà thôi thì chưa đủ. Còn phải dấn thân chu toàn các sứ mạng được trao phó qua bí tích Rửa tội. Là phải đi giảng dạy muôn dân, dạy họ tuân giữ các giới răn mà Chúa đã truyền. Là nói cho họ biết, con người được tạo dựng nên là để hưởng hạnh phúc vô biên và vĩnh cửu trên Trời, chứ không phải để gánh chịu những khốn khổ trần gian; con người sống cuộc sống hiện tại là để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu tương lai.
Và dĩ nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, phương thế hữu hiệu nhất để chu toàn sứ mạng cao quý nầy chính là, một đời sống yêu thương bác ái với anh em chung quanh, được thể hiện trong lời nói, việc làm, giao tiếp, gặp gỡ.. Nếu chúng ta sống được như thế, thì Quê Trời sẽ là phần thưởng đời đời dành cho chúng ta.