Thứ Bảy, 11 Tháng Tư, 2020 00:00
Đêm Vọng Phục Sinh A ( Mt 28, 1-10 ) năm 2020

Mỗi năm, trong đêm Canh thức Vọng Phục Sinh, ánh sáng xé tan đêm tối trong các nhà thờ khắp nơi trên thế giới. Một cách biểu tượng, cây Nến Phục Sinh, dấu chỉ của Đức Kitô sống lại, Anh sáng muôn dân, được long trọng đặt ở cung thánh, trước mắt mọi người.

Một mình nó, nến Phục Sinh đã là cả một giáo lý phong phú. Hãy đến gần. Hãy xem thật kỹ. Trên cây nến này, Alpha và Omega, là chữ đầu và chữ cuối của mẫu tự Hy lạp, được khắc lên. Như để nói lên rằng, qua sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu đã trở nên khởi đầu và cùng đích của vũ trụ, là chìa khóa của lịch sử ơn cứu độ.

Năm hai ngàn hai mươi ( 2020 ) cũng được khắc lên để nhấn mạnh, mầu nhiệm Chúa Giêsu chết và sống lại xảy ra vào một ngày giờ rõ rệt, xác định trong lịch sử. Ngài hằng sống. Ngài vượt lên trên thời gian: hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Như thế, Đức Kitô trở nên người cùng thời của tất cả mọi người, mọi dân tộc và mọi văn hóa.

Trên Cây Nến này, cũng khắc hình cây thập giá. Ở đây, thập giá công bố cho biết, Đấng Phục sinh cũng chính là Đấng chịu đóng đinh vào Thứ Sáu Tuần Thánh. Nơi ngài, Thập giá và vinh quang được liên kết mật thiết với nhau. Cả hai cùng đi chung với nhau.

Với mối liên kết giữa sự sống, thập giá và vinh quang, chúng ta thực sự ở trung tâm của Đức Tin. Nếu, ở những lần hiện ra, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ những vết thương ở chân tay và cạnh nuơng long của mình, chính là để khẳng định rằng, chính ngài sống lại, chứ không phải ai khác. Thì đồng thời, ngài cũng muốn lôi cuốn sự chú ý của chúng ta về mối dây liên kết nhân quả giữa đời sống và vinh quang của ngài. Ngài muốn đưa ra ánh sáng, cái gì là nguyên nhân của sự phục sinh của ngài; cái gì ở trung tâm đời sống của ngài; cái gì đã đem lại cho đời sống ngài tất cả ý nghĩa. Đó là hoàn toàn trung thành với Thiên Chúa Cha, và tình yêu không điều kiện, không biên giới với loài người. Chính tình yêu đã dẫn đưa ngài đi đến thập giá.

Thông thường, người ta có khuynh hướng lướt nhanh qua những thời điểm khó khăn của đời sống, để chỉ nhớ đến những ngày giờ sung sướng, hạnh phúc. Các sách Phúc Âm thì ngược lại. Trong khi các câu chuyện về sự phục sinh thì tương đối ngắn gọn, còn những đoạn kể lại cuộc Thương khó lại được diễn tả nhiều hơn, chi tiết hơn, nhấn mạnh rõ ràng con đường đau khổ của Đấng bị đóng đinh. Bởi vì, Kinh Thánh đã nói trước, Đấng Cứu Thế phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang.

Chính vì đã không biết liên kết biến cố và Kinh Thánh mà hai môn đệ trên đường Emmaus đã thất vọng trở về làng quê. Họ không nhận ra người bạn đồng hành cùng bước đi với họ trên cũng một con đường. Trong khi đó, chính nhờ sự liên kết này, mà khi đến trước ngôi mộ trống, Gioan đã thấy và đã tin. Cần phải có biến cố để hiểu được Kinh Thánh, và phải có Kinh Thánh để hiểu được biến cố. Như thế, đức tin là nơi gặp gỡ giữa biến cố và Kinh Thánh. Kinh nghiệm Phục sinh không tẩy xóa Kinh Thánh. Trái lại, đem lại cho Kinh Thánh tất cả giá trị, tầm quan trọng, ý nghĩa và ánh sáng của nó.

Sau cùng, kinh nghiệm phục sinh này lôi cuốn sự chú ý của chúng ta về ngày hôm nay của mầu nhiệm phục sinh. Sự Phục sinh không phải chỉ dành cho ngày tận thế, mà chủ yếu là cho thời gian hiện tại. Chất men của Sự Phục Sinh phải là trung tâm của khối bột thế gian. Chỉ cần một chút men cũng đủ làm dậy lên tất cả khối bột. Sự xác tín này phải thúc đẩy chúng ta đi đến những bước nhảy vọt, can đảm và liều lĩnh, ngăn cản chúng ta đừng có buông xuôi đôi tay trước những thách thức thời đại.

Trách nhiệm của chúng ta là bày tỏ tình yêu, niềm vui, bình an và hạnh phúc Phục Sinh cho mọi người bằng chính cuộc sống chúng ta. Chính chúng ta phải là những người làm cho thế giới tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Bằng chính gương sáng được thể hiện qua lời nói, cử chỉ, việc làm và hành động của chúng ta.

Sống được như thế, thì lễ Phục Sinh mới có ý nghĩa và giá trị cho chúng ta.

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com