Sa mạc, hình ảnh gợi lên sự tĩnh lặng, bao la, an bình. Nhiều khi chúng ta mơ tưởng và ước muốn được vào đến đó để tránh cái vòng xoáy hỗn độn của những biến động thường ngày, để tìm được một chút thư giản giữa những gánh nặng của bao trách nhiệm, bổn phận của cuộc đời. Thế nhưng, ở đây, đối với Chúa Giêsu, sa mạc là để ma quỷ cám dỗ. Không phải là để nghỉ ngơi, mà là để đương đầu một cách không khoan nhượng với sự dữ, một cuộc chiến đấu kéo dài suốt cả cuộc đời của ngài. Những cám dỗ đó cũng chính là những cám dỗ của Dân riêng Chúa trong sa mạc ngày xưa, và cũng là của chúng ta trong thế giới ngày nay. Đó là cám dỗ về chiếm hữu, về quyền lực và về tôn thờ ngẫu tượng.
Thật vậy, sa mạc là nơi của đói khát, của những khát vọng gay gắt. Chúa Giêsu thấy đói. Ngày xưa, trong sa mạc Shour, dân Israel đã lầm bầm kêu trách Môisen và Aaron bởi vì nước thì đắng và không uống được. Trong sa mạc Sin, họ cũng phàn nàn vì còn nuối tiếc đời sống nô lệ, nhưng có nhiều thứ ăn, trong Đất Ai Cập. Khi Chúa cho manna từ trời rơi xuống, họ cũng lại cằn nhằn vì thức ăn nhàm chán này. Người Do thái trong sa mạc đã sẵn sàng đánh đổi tự do vừa mới có và miền Đất Hứa chảy sữa và mật, để nhận lấy những nồi thịt ngon, những dưa hấu và củ hành, củ tỏi. Đối với Chúa Giêsu, ma quỷ đề nghị làm một phép lạ cho một mình ngài thôi, và như thế, là đi ngược lại một sứ mạng phổ quát. Hãy biến đá thành bánh để ăn cho đỡ đói. Nhưng ngài đã thẳng thừng từ chối. Bởi vì, người ta sống không nguyên bởi bánh trái, gạo thóc. Mà còn bởi mọi lời Thiên Chúa phán ra.
Trong sa mạc, con người cảm thấy những giới hạn, sự nhỏ bé và lệ thuộc của mình. Dân Israel muốn bắt buộc Thiên Chúa và đòi Môisen làm một dấu lạ. Với Chúa Giêsu, ma quỷ đề nghị ngài làm một việc nguy hiểm và vô cớ là, nhảy từ trên nóc Đền thờ xuống, như để chứng minh cho ngài là, không có một nguy hiểm nào có thể động chạm đến ngài. Chúng ta đã biết sự say mê quyền lực một cách ngông cuồng đôi khi bắt con người phải gánh chịu những sự liều lĩnh dại dột. Các nhà thể thao đã có kinh nghiệm này. Các vận động viên cũng vậy, trong một cơn đam mê điên rồ có thể làm hỏng mất tất cả những gì đã đạt được. Chúa Giêsu đã không chịu thua cơn cám dỗ này; bởi vì điều chính yếu là mối liên hệ phụ tử của ngài đối với Thiên Chúa Cha. Do đó, không được thử thách Thiên Chúa.
Sa mạc cũng là nơi cô đơn, hiu quạnh. Đôi khi Thiên Chúa im lặng và con người tưởng là ngài vắng mặt, hay không có. Người ta muốn có một vị thần gần gũi, có thể đụng chạm, có thể mang theo với mình, một vị thần đồng lõa thì mới bảo đảm. Trong suốt lịch sử dân Israel, người ta nghe các tiên tri không ngừng tố cáo sự quyến rũ của các ngẫu tượng, và công kích mạnh mẽ những kẻ tôn thờ chúng. Dân riêng Chúa trong chuyến xuất hành đã làm cho mình một con bò vàng, và sấp mình thờ lạy nó. Ma quỷ cũng đề nghị Chúa Giêsu trở thành Đấng Cứu Thế chính trị, Đấng Cứu Thế của sự chinh phục, và ngài sẽ có tất cả các nước trên thế giới và vinh quang của chúng làm của riêng. Cơn cám dỗ này là cơn cám dỗ suốt cả cuộc đời của ngài. Các bạn hữu của ngài, ngay cả Phêrô, là những công cụ. Ngài đã phải trốn lên núi một mình, sau phép lạ biến bánh và cá hoá ra nhiêu, bởi vì đám đông muốn bắt ngài tôn lên làm vua. Khi hấp hối trong vườn Giêtsêmani, ngài đã cầu xin để khỏi phải uống chén đắng chết chóc ô nhục. Thế nhưng, cả ở nơi đó, ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ, khi vâng theo thánh ý Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập giá.
Những cám dỗ trên đây của Chúa Giêsu cũng là những cám dỗ của chúng ta. Chiếm hữu, quyền lực và sùng bái ngẫu tượng sẽ luôn luôn theo đuổi chúng ta bao lâu chúng ta còn sống.
Chúng ta vẫn luôn luôn ham muốn nhiều hơn và tốt hơn, cho chúng ta và những người chúng ta thương mến. Đó là điều rất tự nhiên và không có gì xấu, nếu sự ham muốn này không làm chúng ta quay lưng lại với cái chính yếu.
Chúng ta vẫn luôn khao khát quyền lực, càng nhiều càng tốt, để thống trị, để bắt mọi người phải làm theo ý muốn của chúng ta. Dần dần sẽ đi đến chỗ áp bức, bóc lột, và ức hiếp người khác.
Tất cả mọi thời đều có những ngẫu tượng riêng của mình. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta cũng có những ngẫu tượng riêng của chúng ta, rất nhiều, tô điểm dưới nhiều hình thức hấp dẫn khác nhau về sức mạnh, sắc đẹp, danh vọng chức quyền v.v.
Mùa chay là sa mạc của chúng ta, cùng với Chúa Giêsu. Mùa chay là nơi và nhất là thời gian cầu nguyện, tôn thờ để chúng ta hâm nóng lại lòng tin cậy phó thác vào lòng nhân từ dịu dàng của Thiên Chúa Cha. Đây là thời gian kết hợp với Đấng muốn tháp nhập chúng ta vào sứ mạng cứu độ của ngài. Với ngài, chúng ta dấn thân trên con đường vượt qua sa mạc. Con đường dẫn chúng ta đến lễ Phục Sinh.