Sinh ra nơi những người Do thái, Chúa Giêsu đã lãnh nhận một nền giáo dục và dạy dỗ giống như những người trẻ cùng thời của ngài. Chắc chắn ngài đã được khai tâm rất sớm cái kiến thức về Lề Luật được viết trong các sách thánh. Ngài đã nghiên cứu Lề Luật này rất nhiều. Ngài yêu mến nó, và yêu thích đem ra thực hành.
Điều đó đã không ngăn cản ngài, vào cái thời điểm ngài bắt đầu đi rao giảng, kêu gọi các đồng bào của ngài phải vượt qua Lề Luật. Không phải vì ngài cho rằng, Lề Luật mà người ta đã dạy cho ngài, hoàn toàn lỗi thời, và như thế, cần phải loại bỏ, mà là bởi vì ngài đánh giá là, đã đến lúc phải kiện toàn nó, đưa dẫn nó đến chỗ hoàn hảo. Ngài đã từng khẳng định:“ Đừng tưởng rằng Ta đến hủy bỏ Lề Luật hay Các Tiên Tri: Ta không đến hủy bỏ, nhưng làm cho nên trọn.”
Để nói điều đó một cách không quanh co, Chúa Giêsu cho rằng, Lề Luật, như đã được trình bày, không đủ diễn tả một lý tưởng cao quý: cho có dù thế nào đi nữa, không phải cái lý tưởng này mà ngài có sứ mạng chuyển thông cho nhân loại, nhân danh Cha của ngài. Theo ngài, Lề Luật này không thích hợp đầy đủ với tất cả sự tin cậy mà Thiên Chúa đặt nơi con người. Ngài thấy rằng, Lề Luật mà người ta dạy cho ngài, và giải thích cho ngài không mời gọi đủ để tiến tới những đỉnh điểm cao hơn thích hợp. Vì thế, ngài tin rằng, phải có một Luật Mới để kiện toàn luật cũ, đến nỗi những người tín hữu được mời gọi một cách chắc chắn và liên lỉ đến sự vượt qua, và được thúc đẩy tiến đến sự hoàn hảo lớn lao nhất, sự hoàn hảo ở nơi chính Thiên Chúa. “ Anh em hãy nên hoàn hảo như Cha của Anh em trên trời là Đấng Hoàn Hảo.” ( Mt 5, 48 ).
“ Hoàn hảo như Cha trên trời là Đấng hoàn hảo.” Cần phải giữ câu này trong đầu để hiểu rõ điều Chúa Giêsu nói khi ngài khẳng định là không đến “ hủy bỏ, nhưng kiện toàn, làm cho trọn” Lề Luật hay Các Tiên Tri. Ta bảo các ngươi: ngươi không được phẫn nộ với anh em ngươi.. ngươi không được sỉ nhục anh em ngươi… ngươi không được có cái nhìn thèm muốn vợ của người khác… ngươi không được ly dị vợ của ngươi… ngươi không được thề thốt gì cả…” Tất cả những mệnh lệnh này chỉ có một mục tiêu duy nhất là: dẫn đưa chúng ta đến một phẩm chất sống là phản ảnh phẩm chất của Thiên Chúa. Đối xử với người khác như Thiên Chúa đối xử, yêu mến người khác như ngài yêu mến họ, tôn trọng người khác như chính ngài tôn trọng họ, mong muốn hạnh phúc của họ và trả lại sự công bình cho họ như chính ngài thực hiện mỗi ngày… Đó là lý tưởng, đó là điều làm nên “ cái mới” của Lề Luật mà Chúa Giêsu đến rao giảng.
Người ta sẽ nói rằng, ngài đặt cái thanh chắn quá cao để có thể vượt qua. Người ta sẽ nói rằng, cái điều mà ngài rao giảng vượt bên kia sức lực của chúng ta. Chúng ta chỉ là những con người, chứ không phải là thần thánh. Thực ra, Chúa Giêsu rất ý thức điều đó. Ngài biết rằng “ sự khôn ngoan” mà ngài loan báo là sự khôn ngoan thánh thiêng, chứ không phải là sự khôn ngoan loài người. Ngài không hề là một con người ngây thơ; không phải là ngài không biết rằng, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn ở trên đỉnh cao của lý tưởng được đề ra. Ngài biết rõ “ điều gì ở trong con người.”(Ga 2,25 ). Ngài biết rõ điều gì ở trong mỗi người chúng ta. Ngài biết rõ sự mỏng dòn của chúng ta, những vết thương của chúng ta, những ngoắt ngoéo quanh co của chúng ta, cái phần bóng tối trong con tim của chúng ta. Ngài hoàn toàn biết rõ tất cả những điều đó; thế nhưng, điều đó đã không ngăn cản ngài đặt cái lý tưởng rất cao để mời gọi chúng ta. Thử hỏi có phải người ta sẽ làm một cách khác, khi người ta yêu thương thật lòng một người nào đó, và người ta thật lòng mong muốn điều tốt nhất cho người đó ?- Thiên Chúa cũng vậy. Đức Kitô cũng vậy, khi ngài truyền lại sứ điệp của ngài.
Với những người cho rằng, cái lý tưởng được đặt ra trước mắt thực sự qua cao vời và quá đòi hỏi, thì thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng, cả Thiên Chúa Cha, cả Con Một của ngài cũng không lấy làm vui thích khi lôi cuốn chúng ta trong “ một sứ mạng bất khả thi”. Sách Đức Huấn Ca, trong bài đọc thứ nhất, nhắc lại điều đó: ở trong chúng ta có những nguồn lực cần thiết để trung thành với những gì mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta. “ Nếu con muốn, con có thể tuân giữ các giới răn.”
Nên nhớ rằng, chúng ta không phải là những người bị cạn kiệt, trần trụi, không còn gì hết. Thánh Thần Chúa được trao ban cho chúng ta, chính Thánh Thần Chúa đã phục sinh Đức Kitô. Ngài ở gần bên chúng ta, ngài hướng dẫn chúng ta, ngài nâng đỡ chúng ta và lôi cuốn chúng ta, vào những ngày đen tối cũng như những ngày tươi sáng. Chính ngài, nếu chúng ta đồng ý, chấp thuận, thì chính ngài trở thành nguồn sức mạnh của chúng ta trong những giờ phút âu lo và thử thách. Nói cho đúng ra, cái điều được xem như là không có thể, nếu chúng ta chỉ cậy dựa vào sức riêng của chúng ta, nhưng sẽ trở thành có thể thực hiện được, trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Thiết tưởng cũng nên thêm rằng, tấm bánh thánh, mà chúng ta hiệp thông, rước lấy trong mỗi thánh lễ, rất phong phú dồi dào nguồn sống của Đấng Phục Sinh. Nhờ tấm bánh thánh này, nhờ nguồn sống này, chúng ta có thể bước đi trên con đường tình yêu hoàn hảo mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta. Đừng bao giờ nghi ngờ về điều đó.