Chúng ta biết rằng, ngày Chúa đến lần thứ hai là một ngày quyết định, dứt khoát cho nhân loại, cho mỗi người. Đó là ngày phán xét chung cuộc, không thay đổi, nhưng lại đến bất ngờ, không thể biết trước. Ngày đó, Thiên Chúa sẽ phân loại người tốt kẻ xấu, sẽ tách người lành ra khỏi kẻ dữ, như hạt lúa ra khỏi rơm rác. Giống như hạt lúa tốt sẽ được thu vào kho lẫm, còn rơm rác sẽ bị ném vào lửa thiêu đốt, thì người lành sẽ được hưởng vinh phúc trường sinh, còn kẻ dữ sẽ phải trầm luân muôn thuở.
Do đó, phải chuẩn bị gấp rút, chờ đón Ngày Của Chúa, một cách tích cực, chứ không thụ động. Một trong những việc cần phải làm ngay, không được trì hoãn là « Hãy ăn năn thống hối ». Đó là lời kêu gọi của Gioan Tẩy Giả, và cũng chính là của Chúa Giêsu sau nầy.
Nhưng, thế nào là « ăn năn thống hối » ?-
Trước hết, theo nguyên ngữ, « ăn năn thống hối » có nghĩa là trở về, quay trở lại. Đang đi trên đường phố, nếu có người quen đi ngang qua, chợt nhớ lại khuôn mặt, giọng nói của chúng ta, quay lại, gọi tên chúng ta, thì bấy giờ, đến luợt chúng ta sẽ quay trở lại để gặp gỡ, chuyện trò. Sở dĩ ăn năn thống hối là vì đã sai đường lạc lối, xa rời tình yêu Thiên Chúa, cho nên phải trở lại, phải quay trở về. Như thế, An năn thống hối, chính là động tác quay trở lại của hai phía: của Thiên Chúa và của chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn bắt đầu kêu gọi chúng ta, ngài ra dấu trước tiên, và chúng ta sẽ quay trở lại nhìn ngài, nhận ra ngài, và bước theo ngài trong Chúa Giêsu Kitô. Như thế, ăn năn thống hối, trở về với Chúa luôn luôn là một ơn huệ được trao ban.
Thứ đến, trở lại thực sự đòi hỏi sự thay đổi não trạng, thay đổi cuộc sống, một sự biến đổi triệt để, hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa Tình Yêu. Trở lại thực sự được khởi đầu bằng việc tự kiểm, nhìn lại chính mình, nhận ra sự yếu đuối, thiếu sót của mình, để rồi chỗi dậy, mạnh dạn tiến bước, dấn thân theo tiếng gọi yêu thương của Chúa.
Ngoài ra, trở lại thực sự không phải chỉ bằng những ước muốn tốt đẹp, những lời nói suông, mà phải được thể hiện bằng việc làm, bằng cuộc sống, đem lại hiệu quả cụ thể. Bởi vì, người ta đánh giá một cây ăn trái tốt, không phải chỉ bằng những bông hoa tươi đẹp, mà bằng những quả ngon, trái lành. Chính Gioan Tẩy Giả cũng đã bắt đầu sống sự trở lại đó của riêng mình trước hết. Trước khi kêu gọi đám đông, ông đã có những việc làm cụ thể, chọn lựa một kiểu sống thích hợp: để chuẩn bị dọn đường cho Chúa, ông đến sống trong hoang địa, với y phục đơn giản, thô sơ, bằng lông lạc đà, với thức ăn tầm thường bằng châu chấu và mạt ong rừng. Nhờ đó, lời kêu gọi của ông có sức thuyết phục, lôi cuốn. Sự trở lại của chúng ta cũng thế. Phải làm gì để chứng tỏ chúng ta thực sự tin kính, yêu mến Thiên Chúa ?- Phải sửa đổi những thói quen không tốt nào, phải từ bỏ những nết xấu, khuyết điểm nào, phải cải thiện những mối liên hệ nào, để cho sự tương giao, liên đới giữa chúng ta với người khác thực sự là huynh đệ, anh em, con cùng một Cha trên trời.
Sự trở lại đó, không phải chỉ làm một lần là đủ. Bởi vì con người chúng ta yếu đuối, có nhiều hạn chế, nhiều khuyết điểm, dễ sai lầm, cho nên cần phải trở lại luôn luôn, cần phải thường xuyên đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa. Đó cũng chính là lý do mà trước mỗi thánh lễ, chúng ta được kêu mời thống hối ăn năn, trở lại, bằng kinh Cáo Mình, để xứng đáng tham dự thánh lễ, đón rước Chúa ngự vào trong tâm hồn.
Sống trong Mùa Vọng, chờ đón Chúa đến, nếu chúng ta biết luôn luôn tỉnh thức, ăn năn thống hối, trở lại với Chúa, với chính mình và với anh em trong cuộc sống, thì chắc chắn ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc của chúng ta.