Chúng ta hơi ngỡ ngàng khi nghe Chúa Giêsu nói rằng: “ Nếu các con có đức tin lớn bằng hạt cải ( và một hạt cải, gần như là không là gì cả ), các con hãy bảo cây cổ thụ này rằng: “ Ngươi hãy bứng rễ và trồng giữa biển; nó sẽ nghe lời các con.” Có phải các sự việc sẽ xảy ra như thế không ?- Để có đức tin, để chiếm hữu một đức tin lớn, phải chăng là có khả năng làm những phép lạ giống như thế không ?-
Chúng ta nhất trí là không. Đức tin và phép lạ không nhất thiết phải đi đôi với nhau. Thực hiện những phép lạ loại này cũng không phải là đặc tính của đức tin Điều Chúa Giêsu muốn nói, và chúng ta đều đồng ý, chính là đức tin là một sức năng động phi thường, nâng con người lên và làm cho con người có khả năng thực hiện những việc mà con người sẽ không bao giờ làm được một cách khác.
Điều đó đã được kiểm chứng về phương diện nhân loại. Có biết bao nhiêu người, vì tin vào một ý tưởng, vào một dự án, mà thực hiện được những kỳ công; trong khi những người khác chung quanh, có thể là tài năng hơn, đã không làm gì được thực sự, bởi vì họ không có niềm tin, bởi vì họ thiếu lửa thánh thiêng.
Điều được xác định là thật trên bình diện nhân loại, thì cũng là thật trên bình diện thiêng liêng. Niềm tin vào Thiên Chúa là một tính năng động, là một ngọn lửa, một sức mạnh. Đức tin có thể thực hiện những việc lớn lao, bởi vì đức tin tiếp xúc với Đức Kitô và trao ban Thánh Thần. Và bởi vì nó khích lệ các kitô hữu sống theo Phúc Am, và trao ban cho họ sức mạnh để thực hiện điều đó.
Có biết bao nhiêu người, thuộc mọi lứa tuổi và hoàn cảnh xã hội, đã hoàn thành những điều kỳ diệu, bởi vi họ tin vào Đức Kitô và đem ra thực hành Phúc Âm của ngài. Thánh Phanxicô Assisi, Têrêxa Hài Đồng Giêsu…chẳng hạn. Những con người này, được đức tin thúc đẩy, đã liên kết với Đức Kitô một cách sâu sắc. Họ đã tin vào Thiên Chúa. Họ đã đặt cuộc sống của họ vào bàn tay của ngài. Họ đã để cho Thiên Chúa hoạt động trong họ. Chính vì thế mà họ đã thực hiện được những việc lớn lao. Những việc mà, họ không thể nào làm được, theo cách khác.
Đức tin chuyển núi dời non. Đức tin thực hiện những gì có vẻ như không thể thực hiện được. Chỉ một chút đức tin thôi, và tất cả đều có thể; bởi vì chính Thiên Chúa, chủ nhân của những điều không có thể, hành động qua họ, qua những con người có đức tin.
Thế nhưng, có một điều kiện cho tất cả những điều đó: cần phải có đức tin đích thực, tinh tuyền, sâu sắc và chân thành. Nó cần phải sống xuyên suốt nơi con người của người tín hữu. Đó không phải chỉ là công việc của cái đầu: “ Tôi tin tất cả những gì chứa đựng trong kinh Tin Kính, tất cả những gì Đức Kitô đã mạc khải và tất cả những gì Giáo Hội giáo huấn.” Trước hết và nhất là, nó phải là công việc của con tim, của bàn tay và cánh tay. Đức tin thực hiện những điều kỳ diệu là đức tin biến đổi cuộc đời chúng ta mỗi ngày. Đức tin làm cho chúng ta thành những con người suy nghĩ và hành động theo cách thế của Đức Kitô, trong tất cả mọi chuyện và trong tất cả mọi hoàn cảnh. Khi chúng ta có đủ đức tin để yêu mến như Đức Kitô đã yêu mến, để tha thứ như Đức Kitô đã làm, để cảm thương những đau khổ của người khác như ngài đã làm gương, thì bấy giờ, nhất thiết chúng ta sẽ biến đổi chính mình và biến đổi người khác chung quanh chúng ta. Vậy thì, thử hỏi, trong suốt một cuộc đời, ai có thể dửng dưng, thờ ơ với tình bạn, sự tha thứ, lòng thương cảm, sự hiểu biết mà người ta dành cho họ ?-
Để mang lại nhiều hoa trái, đức tin cũng phải được đánh dấu bởi một sự triệt để nào đó. Thánh Phaolô đã viết cho Timôthêô: “ Thiên Chúa không ban cho chúng ta một tinh thần sợ hãi, nhưng là một tinh thần sức mạnh, tình yêu và lý trí. Con đừng xấu hổ khi làm chứng, đừng xấu hổ vì cha; nhưng với sức mạnh của Thiên Chúa, con hãy nhận lấy phần đau khổ của con.” Khi chúng ta sống đức tin một cách triệt để hơn, thì đức tin của chúng ta sẽ mang lại nhiều hoa trái hơn. Đó là điều chắc chắn.
Như vậy có phải là nói rằng, những hoa trái đức tin luôn luôn được bày tỏ một cách mau lẹ và như chúng ta mong muốn như thế không ?- Chắc chắn là không.
Về phương diện này, điều đã được nói đến trong bài trích sách tiên tri Habacuc soi sáng chúng ta. Habacuc đã cầu nguyện khá nhiều với niềm tin, và đã không bao giờ nhìn thấy những kết quả của lời cầu nguyện đến. Ông phàn nàn cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa trả lời bằng cách mời ông tiếp tục cầu nguyện; cầu nguyện tha thiết hơn, ngay cả viết ra những lời cầu nguyện của mình. Ngài bảo đảm với ông rằng, tất cả sẽ được thực hiện “ vào thời điểm xác định”, nghĩa là vào giờ của Thiên Chúa, và như Thiên Chúa muốn.
Không thể nào áp đặt Thiên Chúa. Không thể nào bắt thánh ý Chúa phải lệ thuộc vào ý muốn riêng tư của chúng ta. Điều phải đến là ngược lại. Chúng ta phải đặt ý muốn riêng tư của chúng ta theo thánh ý của Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta có thể cầu xin Thiên Chúa tất cả mọi sự. Chúng ta có thể hy vọng tất cả ở nơi ngài. Thế nhưng, những lời cầu xin sốt sắng và những niềm hy vọng nóng bỏng nhất của chúng ta phải luôn luôn kết thúc bằng việc đặt tất cả con người chúng ta trong bàn tay Thiên Chúa. Khi đức tin sâu sắc và chân thật, đức tin luôn luôn đưa dẫn chúng ta đến lời nguyện chính yếu này là: “Lạy Chúa, xin cho ý Chúa được thực hiện, chứ đừng theo ý con.”