Người ta giải thích biến cố Chúa Giêsu đến nhà của Matta và Maria bằng nhiều cách khác nhau.
Trước hết, đó là Đời hoạt động và Đời chiêm niệm. Một số người nhìn ra trong nhân vật của Matta biểu tượng của đời hoạt động, và như thế, Maria là biểu tượng của đời chiêm niệm. Kết luận phải rút ra là như sau: những ai chuyên chăm trong đời chiêm niệm đã chọn phần tốt nhất.
Tuy nhiên cách giải thích như thế chưa phải là hay nhất cho biến cố này. Người ta có thể biện bác lại rằng, nếu xảy ra như thế, thì phải cắt nghĩa vì lý do nào mà Chúa Giêsu đã không chọn sống chiêm niệm. Người ta có thể qui chiếu về đoạn Phúc Âm của thánh Matthêu trình bày ngày phán xét sau hết. Người ta thấy rằng, điều đáng kể nhất dưới con mắt của Thiên Chúa, chính là những cử chỉ bác ái cụ thể mà chúng ta phải chu toàn trong đời sống chúng ta. Chúa nói: “ khi Ta đói, các người đã cho ăn. Ta khát, các ngươi đã cho uống…”
Thứ đến, đó là Quan tâm đến những con người. Một cách giải thích khác cho rằng, Chúa Giêsu có ý lôi kéo sự chú ý về tầm quan trọng phải dành cho những con người. Làm nhiều cho những con người cũng không đủ. “ Tự hủy hoại chính mình” làm việc cho họ, tìm cho họ những tiện nghi tối thiểu, như: nhà cửa, cơm ăn, áo mặc…
Điều đó không đủ, bởi vì điều quan trọng nhất không phải là ở chỗ đó. Đúng hơn nó nằm ở cái phẩm chất của những mối liên hệ với những người mà chúng ta biết và yêu mến. Những tài sản vật chất sẽ không bao giờ bù được sự âu yếm, hiểu biết, tình yêu mà chúng ta lẽ ra phải bày tỏ cho họ.
Ở đây chúng ta đụng chạm đến cái chiều kích của đời sống nhân loại rất quan trọng. Nơi tất cả mọi người đều có một nhu cầu sâu xa là đón tiếp và trao ban tình bạn. Tình bạn không được mua bán. Nó là phẩm chất và là quà tặng của con tim. Nói về Matta và Maria, Phúc Âm chỉ thẳng về cái thực tại này mà chúng ta có khuynh hướng hay quên: Làm những công việc cho những người mình yêu mến, chưa đủ. Đống thời và nhất là, dành thời giờ ở lại bên cạnh họ, lắng nghe họ và sống với họ.
Cho dù có thích thú và đúng đắn đến mấy đi nữa, cách giải thích này, tuy nhiên, cũng không đem lại đầy đủ ý nghĩa của sứ điệp của đoạn Phúc Âm.
Lắng nghe Lời Chúa. Thực ra, ý sau cùng của Chúa Giêsu là làm cho chúng ta hiểu rằng, để sống theo ngài, nhất thiết phải đến gần ngài và lắng nghe ngài. Lời của ngài là một sự phong phú vô cùng cao quý. Giáo huấn của ngài là một ánh sáng siêu việt. Sự hiện diện của ngài là một ân huệ rất đáng trân trọng. Muốn trở thành kitô hữu, người ta thật lầm lạc khi tự đánh mất chính mình trong tất cả những thứ hoạt động, mà quên đi việc đến kín múc nơi ngài những gì trao ban ý nghĩa cho cuộc sống và cho những hoạt động rất sôi động này. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã khen ngợi “ Maria, ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Lời ngài.” Lắng nghe Lời Chúa. Lời giáo huấn của Chúa cần phải gìn giữ thật rõ ràng. Đó là thứ lương thực cần thiết cho đời sống thiêng liêng của tâm hồn.
*** Chắc chắn là chúng ta đã làm điều đó. Mỗi ngày Chúa nhật, chúng ta tham dự Thánh lễ Tạ ơn. Thế nhưng, ở đây có phải là nơi tự hỏi chúng ta đón nhận những Lời Chúa mà chúng ta nghe theo cách nào ?- Lời Chúa có soi sáng chúng ta như nó phải làm không ?- Lời Chúa có gợi hứng cho những hoạt động của chúng ta trong suốt một tuần không ?- Nó có giúp đào luyện cho chúng ta một con tim giống như con tim của Đức Kitô không ?- Nó có hướng dẫn những sự chọn lựa mà chúng ta phải làm, ngày qua ngày không ?-
Nói khác đi, chúng ta đừng có rời khỏi nhà thờ mà không mang theo mình một vài Lời Chúa được lắng nghe. Những lời có thể nuôi dưỡng chúng ta, làm cho chúng ta và những người chúng ta gặp gỡ luôn được vui sống, bình an và hạnh phúc, ngay bây giờ và nhất là hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn trong Nước Chúa.