Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2019 00:00
Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C ( Ga 13, 31-33a.34-35 )

Kitô giáo vẫn được gọi là tôn giáo của tình yêu thương bác ái. Thế nhưng vấn đề đặt ra là, tình yêu đó phải được hiểu như thế nào và được sống ra sao ?- Câu trả lời có thể dễ dàng tìm thấy trong Lời Chúa hôm nay là: yêu như chính Chúa Giêsu đã yêu.

Khi nói với các môn đệ: “ Các con hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương các con”, Chúa Giêsu muốn đưa ra một gương mẫu cho mọi người noi theo. Qua cuộc sống, lời giảng dạy, nhất là sự hy sinh mạng sống trong cuộc Khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của ngài, Chúa Giêsu đã để cho thấy tình yêu đó có hai đặc tính sau đây:

Thứ nhất, đó là tình yêu hy sinh phục vụ. Kinh nghiệm cho thấy, có hai loại tình yêu: Tình yêu ích kỷ, yêu thương chính mình đến độ sẵn sàng hủy diệt người khác để thỏa mãn chính mình. Chẳng hạn, khi nói: tôi yêu thích kẹo chewing-gum, thì không phải là tôi yêu chính viên kẹo, mà chính là vì viên kẹo sẽ làm thỏa mãn nỗi thèm khát của tôi. Tôi chiếm hữu, hủy diệt viên kẹo vì ích lợi của tôi. Như thế là, tôi yêu tôi, chứ không phải yêu viên kẹo. Còn khi một người mẹ nói: “ Tôi yêu đứa con đau yếu của tôi”, thì chúng ta dễ dàng hình dung ra một tình yêu sẳn sàng hy sinh chính bản thân mình của bà mẹ cho đứa con, qua việc thức khuya, dậy sớm, nhịn ăn, nhịn uống, không màng đến sức khỏe của mình cho đứa con mau bình phục. Đây là hình ảnh tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân loại chúng ta. Yêu như Chúa Giêsu là quỳ xuống rửa chân cho anh em, là từ bỏ chính mình để cho người khác được sống hạnh phúc, là phục vụ anh em.

Thứ hai, đó là tình yêu không biên giới, không giới hạn. Thông thường chúng ta có dễ dàng yêu thương một số người thân cận, những người yêu thương chúng ta. Đó là chuyện đương nhiên. Thế nhưng, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Con hãy yêu các kẻ thù của con”, nghĩa là, không có một sự loại trừ nào, không có một sự hạn chế nào trong tình yêu. Tình yêu đó đòi hỏi một sự dấn thân, dám liều mạng sống của chính mình. Đó là một tình yêu chung thủy, yêu cho đến cùng, sẵn sàng hy sinh chịu chết, không thối lui, không lùi bước trước bất cứ chướng ngại nào. Yêu thương đến độ sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình. Bị đóng đinh trên thập giá, nhưng Chúa Giêsu vẫn xin tha thứ cho những lý hình đã hành hạ và giết chết ngài.

** Khi đến trần gian thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã thực sự đem lại điều mới lạ cho nhân loại là, ngài tỏ cho biết: Thiên Chúa là Cha tốt lành, luôn yêu thương tất cả mọi người. Ngài ban mọi ơn lành cho từng người. Mỗi người phải yêu mến ngài như Cha trên trời. Đồng thời, vì có cùng một Cha, cho nên, mọi người là anh em. Mọi người phải thương yêu nhau. Đó là giới rân mới của ngài.

Điểm mới lạ không phải là do ở giới răn yêu thương, bởi vì trong Cựu Ước cũng đã có luật: ngươi phải yêu mến tha nhân. Điểm mới lạ ở đây chính là chiều kích mở rộng của nó. Hãy yêu kẻ thù. Hãy làm ơn cho những người làm hại con. Tình yêu không còn giới hạn ở những người thân quen, ruột thịt. Tình yêu không còn đóng khung trong khuôn khổ gia đình, dòng tộc. Mà phải mở ra cho tất cả mọi người, cho dù người đó có thế nào đi nữa. Điểm mới lạ còn hệ tại ở cường độ và sự hoàn hảo của tình yêu: “Các con hãy yêu thương nhau như chính thầy đã yêu thương các con”. Yêu cho đến cùng. Ngài đã hy sinh chính mạng sống mình vì yêu thương chúng ta.

Tình yêu hy sinh phục vụ trong giới răn yêu thương nầy chính là dấu chỉ cho biết ai là môn đệ của Chúa. “Người ta cứ dấu nầy mà nhận biết các con là môn đệ của thầy, là các con thương yêu nhau”. Do đó, ai không yêu thương thì tự loại mình ra khỏi cộng đoàn của Chúa. Người đó không còn là môn đệ của Chúa.

Tình yêu đó còn là dấu chỉ lôi cuốn lương dân trở về với Chúa. Thực tế đó đã được các kitô hữu đầu tiên cảm nghiệm sâu sắc. Nhìn thấy các môn đệ Chúa yêu nhau, người ta rất bỡ ngỡ, đặt câu hỏi, tìm hiểu, tin Chúa, yêu Chúa và trở lại với Chúa.

Cũng nên nhớ rằng, sở dĩ Chúa Giêsu thường xuyên nhắc nhở về giới răn yêu thương là vì đó là điều quan trọng nhất. Chúng ta có thể nói: không thể có ơn cứu độ, nếu không có đức yêu thương. Đàng khác, cũng chính vì ngài biết rằng, yêu thương như chính Chúa thật là khó thực hiện trong cuộc sống hiện tại. Với bản tính con người yếu đuối, với những cám dỗ hận thù chung quanh, với điều kiện sống hạn hẹp, sống yêu thương như Chúa là điều không dễ dàng. Biết là khó, nhưng với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta vẫn có thể làm được.

Và hạnh phúc đời đời sẽ là phần thưởng cho những người môn đệ trung tín, biết nỗ lực cộng tác với ơn thánh Chúa.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com