Sáng nay, với rất nhiều sự phấn khởi, những bản văn phụng vụ công bố việc Phục Sinh của Đức Kitô. Đấng đã chết thực sự bây giờ đã sống lại. Thiên Chúa Cha đã chiếu cố can thiệp cho ngài. Thiên Chúa đã nâng ngài dậy từ trong cõi chết. Các môn đệ đầu tiên ở đó, để làm chứng. Ngài đang sống !
Ngài đang sống ! Nghe những lời này, chúng ta cần phải hiểu rõ. Đức Giêsu Phục sinh chính là nhân vật mà các môn đệ đã biết, nhưng ngài không còn ở giữa các ông nữa, và cũng không tỏ hiện cho các ông theo cũng một cách thức như xưa. Việc đi qua cái chết đã biến đổi ngài. Việc đi vào trong thế giới phục sinh đã làm cho ngài trở thành một con người mới. Chính vì thế, khi ngài hiện ra, các bạn của ngài không nhận ra ngài ngay lập tức. Chính trong đức tin mà các ông nhận ra ngài.
Những khẳng định này rất tinh tế; bởi vì, một cách tự nhiên, chúng ta hình dung một Đức Kitô phục sinh, hoàn toàn giống như Đức Kitô trước khi chịu khổ hình. Cũng đôi mắt đó, cũng cái nhìn đó, cũng kích thước đó, cũng sức nặng đó, cũng y phục đó, cũng giọng nói đó, cũng những cử chỉ đó. Tuy nhiên, lại không phải là như thế. Bây giờ đã phục sinh, Chúa Giêsu thực sự hằng sống, thực sự hiện diện ở giữa những người thân; thế nhưng, sự hiện diện này chỉ có thể được trông thấy trong đức tin. Không thể nhìn thấy Đức Kitô bằng đôi mắt chúng ta, không thể nghe thấy tiếng nói của ngài, không thể chạm đến ngài, bắt tay ngài bằng những giác quan của chúng ta. Thế nhưng, ngài đang ở đó. Ngài có thể hiệp thông với chúng ta, chúng ta có thể hiệp thông với ngài. Ngài có thể tự hiến cho chúng ta; chúng ta có thể tự hiến cho ngài. Đó là điều được trao ban cho chúng ta để tin tưởng. Đó là điều mà chúng ta được mời gọi cùng nhau công bố, sáng nay, hiệp cùng với tất cả các anh em kitô hữu trên khắp thế giới.
Từ sự hoài nghi đến đức tin. Chắc chắn chúng ta sẵn lòng thực hiện điều đó. Nếu không, tại sao sáng nay lại đến tham dự thánh lễ. Thế nhưng, điều đó không nhất thiết nói rằng, đức tin của chúng ta sẽ tinh tuyền như thủy tinh, hay đơn sơ và ngây thơ như đức tin của một em bé.
Đức tin không loại bỏ những vấn nạn. Đức tin không phải là một thực thể tĩnh lặng. Đức tin có thể lớn lên, có thể suy yếu dần đi. Có thể mãnh liệt, mà cũng có thể mỏng manh.
Điều thú vị là trong những giây phút đầu tiên, trong những ngày đầu, khi Chúa Giêsu trao ban những dấu chỉ về sự phục sinh của ngài, không ai trong số những người thân đã hồn nhiên tin rằng, ngài đã sống lại. Các môn đệ có một đức tin tất chậm. Một số đơn thuần là phủ nhận không tin, ngay lúc đầu. Đó là điều bảo đảm. Điều đó cho phép chúng ta hiểu rõ hơn rằng, đức tin của chúng ta là một quà tặng của Thiên Chúa mà chúng ta phải cầu xin liên lỉ, và là một thực tế sống động bình thường có thể biết được những lúc lạnh giá, bảo táp, ngần ngại và đặt thành vấn đề, nghi vấn. Thánh Luca đã viết: “ Từ sáng sớm, các bà đi đến mồ. Các bà bước vào, nhưng không nhìn thấy thân xác của Chúa Giêsu ! Không ! “ Các bà không biết nghĩ thế nào.” Cần phải có lời của thiên thần nhắc các bà nhớ lại những gì Đức Kitô đã nói, để đức tin của các bà được đánh thức. “ Các bà hãy nhớ những gì ngài đã nói với các bà, khi ngài còn ở xứ Galilêa: “ Con Người phải nộp vào tay những kẻ tội lỗi, phải chịu đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, ngài phục sinh.” Bấy giờ ánh sáng bừng lên trong đầu các bà và trong thân xác các bà. Bấy giờ, các bà đã hiểu những gì vừa xảy ra.
Chúng ta hãy tiếp tục. Khi các bà đến báo lại cho các môn đệ điều các bà vừa sống, những người này không phản ứng như những người sẵn sàng để tin. Trái ngược laị. Các môn đệ đã thấy rằng, những lời nói của các bà là “ hoang tưởng”. Thật là hoang tưởng.
Tuy nhiên, Phêrô đã đi đến mồ. Chắc chắn là ông muốn đích thân kiểm chứng tất cả những điều đó. “Ông chỉ thấy khăn liệm. Bấy giờ, ông trở về nhà lòng đầy ngạc nhiên về tất cả những gì đã xảy ra.” Phêrô chưa tin vào sự phục sinh. Ông tự vấn chính mình. Thế nhưng, một vài ngày sau đó, ông sẽ đi đến niềm tin, và chúng ta sẽ nhìn thấy ông ở công trường đang rao giảng: “Chúng tôi, những Tông đồ của ngài, chúng tôi là những nhân chứng của tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm trên đất nước Israel và tại Giêrusalem. Họ đã giết chết ngài khi treo ngài trên cây khổ giá. Và đây Thiên Chúa đã phục sinh ngài vào ngày thứ ba.”
Tạ ơn và khẩn cầu. Sáng nay, bởi vì là lễ Phục Sinh, chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã biến chúng ta trở thành những người tín hữu, và chúng ta hãy van xin điều đó. Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một ơn huệ. Xin cho ơn huệ này luôn được gìn giữ nơi chúng ta.
Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một ơn huệ cần được vun trồng. Xin cho chúng ta luôn quan tâm làm cho niềm tin của chúng ta lớn lên mãi.
Niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một ơn huệ mời gọi chúng ta luôn sống như những người được sống lại, luôn hướng về những thực tại trên cao, và không hướng về những thực tại dưới đất. Xin cho ơn huệ được sống như thế được trao ban chúng ta mỗi ngày.
Và niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa Giêsu không phải là một ơn huệ mà chúng ta phải giữ riêng cho chúng ta. Đó là một ơn huệ phải trao ban cho những người khác. Theo gương của Phêrô, chớ gì chúng ta dám tuyên xưng đức tin của chúng ta.
Dám nói rằng, Đức Kitô hằng sống và sống theo ngài, chính là sống trong bình an, trong niềm vui và trong hạnh phúc sung mãn của ngài.