Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2019 00:00
Thứ Sáu Tuần Thánh C ( Ga 18, 1-19, 42 )

Chúng ta vừa đọc lại câu chuyện kể lại cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu theo thánh Gioan: một câu chuyện giản dị, không hoa mỹ, bình tĩnh, không thống thiết giả tạo. Trong suốt câu chuyện này, Chúa Giêsu, người diễn viên chính, có một vẻ uy nghi đáng ngạc nhiên. Ngài không bị chìm ngập trong các biến cố. Đúng ra là ngài chủ động, từ đầu cho đến cuối. Trong mọi lúc, ngài biểu lộ một sự tự chủ và một tính chất cao thượng vừa gây ngạc nhiên, vừa gây bỡ ngỡ. Vì thế, ở cuối bài đọc, chúng ta có thể tự đặt một câu hỏi rất đơn giản, nhưng chính yếu: Con người sống cuộc khổ nạn này là ai vậy ?-

Chúng ta sẽ không trả lời theo lý thuyết, nhưng bằng cách để cho bản văn chúng ta vừa nghe nói lại cho chúng ta.

Một con người bị đối xử bất công. Điều đầu tiên đánh động chúng ta, đó là: Chúa Giêsu bị đối xử một cách bất công. Người ta đệ đơn kiện ngài một vụ kiện mà lẽ ra ngài không phải chịu. Người ta bắt ngài phải chịu một số phận mà lẽ ra ngài không phải chịu. Một trong những người lính gác đã vả vào mặt ngài. Ngài nói: “ Nếu Ta nói đúng, tại sao lại đánh Ta ?-“ ( Lc 18,22 ). Tên lính gác không trả lời được gì cả. Philatô không biết phải làm gì với Chúa Giêsu. Ông ta nói với những người điệu ngài đến với ông ta: “ Các ngươi hãy bắt lấy ông ta, và xử theo luật của các ngươi.” ( 18,31 ) Ông ta cũng bối rối như vậy, khi người ta lại đưa Chúa Giêsu đến với ông ta: “ Phần ta, ta không thấy nơi người này bất cứ một lý do gì để kết án.”

Một con người xác tín và một con người có trách nhiệm. Trong suốt cuộc đời của ngài, Chúa Giêsu không dấu diếm gì cả. Ngài đã nói rõ ràng tất cả những gì ngài cần phải nói, những gì làm hài lòng hay không hài lòng. Cũng vậy trong lúc chịu thương khó. Ngài không chối điều gì cả. Ngài nhận tất cả. Ngài không tìm cách làm giảm nhẹ những gì ngài đã nói. Ngài không tìm cách trốn tránh trước những người muốn buộc tội, tấn công ngài.

 Ngài nói với những kẻ đã đến tìm bắt ngài, cùng với Giuđa:“ Nếu các ngươi muốn tìm Ta, thì hãy để những người này đi.” Sau đó, ngài để cho bị bắt. Trước mặt thầy thượng tế đang muốn kiểm chứng những gì ngài đã giảng dạy: “ Điều tôi đã nói, hãy hỏi những người đã đến nghe tôi. Họ biết tôi nói những gi.”“ Nếu tôi nói sai, hãy chỉ điều tôi nói sai đi.”

Không một bước thụt lùi. Không một sự nhượng bộ về những lời ngài nói. Chúa Giêsu là con người đáng tin cậy. Ngài nhất quyết đảm nhận trách nhiệm về những lời nói của ngài cho đến cuối cùng, không thỏa hiệp.

Một con người không lùi bước truớc đau khổ. Điều đó, ngài phải trả giá rất đắt. Người ta sẽ đánh đập ngài, chế nhạo ngài, đưa ngài đi đến cái chết. “ Một trong những người bảo vệ vả mặt ngài.” – “ Philatô ra lệnh đưa ngài đi đánh đòn.”“ Các tên lính bện một mão gai, và đặt trên đầu ngài; đoạn, chúng mặc cho ngài một áo choàng đỏ.”- “ Chúng tiến đến gần ngài và nói: Tâu vua Do thái !” Và chúng vả mặt ngài.” –     “ Ở đó, trên núi sọ, chúng đóng đinh ngài.”

Một con người đảm nhận số phận của mình cho đến cùng. Rất nhiều đau khổ đối với Chúa Giêsu ! Biết bao nhiêu người đã nhượng bộ ! Ngài thì không. Ngài sẵn sàng đảm nhận số phận của ngài cho đến cùng. Cho đến cùng ! Đó là một từ ngữ xác định tính cách của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó của ngài. Không có biện pháp nửa vời. Không có biện pháp nửa vời trong việc tự hiến của ngài. Không có biện pháp nửa vời trong sự trung tín với Thiên Chúa Cha. Thánh Gioan trích một câu trong thánh vinh để diễn tả sự dâng hiến toàn vẹn mà Đức Kitô đã làm: “ Họ đã chia nhau áo xống của tôi; họ đã rút thăm áo dài của tôi.” Còn Chúa Giêsu, ngài đã nói lời này: “ Không lẽ nào Ta lại từ chối chén rượu mà Cha Ta đã trao cho Ta phải uống sao ?-“ Và một lời khác của ngài đã tóm tắt tất cả cuộc đời của ngài: “ Mọi sự đã hoàn tất.”

Một con người đầy tính nhân bản. Một thái độ khác của Chúa Giêsu trong cuộc thương khó cần phải được nhấn mạnh: đó là đức tính nhân bản của ngài, sự quan tâm của ngài đối với người khác, sự dịu dàng của ngài đối với những người chung quanh, những người mà ngài yêu mến. Vào lúc lâm chung, váo lúc đau khổ tột cùng, Chúa Giêsu hướng mắt nhìn về Đức Maria, Mẹ ngài, đoạn đến Gioan, người môn đệ yêu dấu, và nói với các ngài: “ Thưa Bà, đây là con Bà.” “ Đây là Mẹ con.”

Một con người có đầy sức mạnh Thiên Chúa. Làm thế nào mà Chúa Giêsu đã có thể ứng xử như thế ?- Làm thế nào mà ngài đã có thể giữ vững cho đến cùng ?- Câu trả lời được tìm thấy một cách kín đáo trong bản văn của Gioan. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và ngài là vị vua mang vương quyền từ Thiên Chúa đến.

Chính ngài, Con Thiên Chúa. Chính ngài, Đấng nắm giữ vương quyền Thiên Chúa mà chúng ta mừng kính hôm nay, trước cây thập giá.

 

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com