Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2019 00:00
Chúa nhật II Phục sinh C ( Ga 20,19-31 )

Chúa sống lại ! Đâu là hệ quả của biến cố này.

Cảm nhận được sự hiện diện của ngài. Hệ quả thứ nhất, các môn đệ phải nhận rõ rằng, Thầy mình đã sống lại. Điều đó sẽ không được thực hiện trong một nháy mắt. Lúc đầu, các môn đệ không tin vào việc có thể có sự sống lại. Điều đó không có ngay cả trong tâm trí các ông. Sau đó, là kinh nghiệm của các phụ nữ mang thuốc thơm đến mồ. Có thiên thần hiện ra. Câu chuyện được kể cho các môn đệ. Phêrô và Gioan chạy đến mồ. Dần dần, ý tưởng Chúa Giêsu đã phục sinh nẩy mầm trong tâm hồn các ông. Dần dần, một vài người đã gặp được ngài. Tin Mừng như thế đã bắt đầu được lan rộng. Ngài hằng sống ! Mỗi người ý thức điều đó mỗi cách khác nhau. Mỗi người có sự tiến triển riêng dẫn đưa mình đi đến việc công bố: Đúng vậy, Đấng mà tôi đã biết, có tên là Giêsu, ngài đã sống lại.

Câu chuyện của Tôma vừa được nhắc lại cho chúng ta. Không có gì đặc biệt so với câu chuyện của các tông đồ khác. Các tông đồ khác cũng vậy, các ông cần phải có những dấu chỉ để tin. Cũng vậy đối với Tôma. “ Nếu tôi không nhìn thấy những dấu đinh nơi tay ngài.. thì, không, tôi không tin”. Ông phải được nhìn thấy dấu đinh, và ông đã tin. Và bấy giờ Chúa Giêsu đã nói: “ Phúc cho những ai không thấy mà tin .” Phúc cho những ai, giống như Tôma, có thể tuyên bố về Chúa Giêsu: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi !”. Phúc cho những ai khám phá ra ngài đang hiện diện bên họ không bằng con mắt xác thịt, mà bằng con mắt đức tin.

Trao ban những dấu chỉ về sự hiện diện của ngài. Sau khi đã cảm nghiệm được là Đức Kitô đã sống lại, các tông đồ đã không khoanh tay, thụ động. Các ông đã không đơn giản quay trở lại công việc thường ngày như là không có gì xảy ra. Có một biến cố đã đánh động các ông một cách dứt khoát, biến đổi các ông một cách triệt để. Các ông không thể giữ lại cho mình những gì mới vừa được mạc khải, tỏ lộ ra. Các ông không thể không nói ra cái cảm nghiệm mà các ông vừa sống. Chính vì thế mà sách Tông Đồ Công Vụ giới thiệu các ông, tất cả, ở tại Giêrusalem, dưới hành lang Salomon, cho chúng ta.

Ở đó có một dấu chỉ quý báu cần phải giữ lấy. Những ai đã khám phá ra Đức Kitô thì không ở yên trong góc của mình. Họ tụ họp lại với nhau, nhóm lại với nhau. Đức tin không phải là một công việc riêng tư cá nhân. Đức tin kêu gọi đi đến chia sẻ, liên đới. Chính là cùng với nhau, trong Giáo Hội, mà chúng ta tin. Những ai nghĩ rằng, có thể giữ vững trong đức tin mà không liên đới với những anh em kitô hữu khác thì hoàn toàn sai lầm. Sống theo kiểu cá nhân, đức tin sẽ suy yếu. Ngay khi ý thức rằng, Thầy mình đã phục sinh, các môn đệ đầu tiên đã tụ họp lại với nhau để củng cố lẫn nhau trong niềm tin mới phát sinh, và vui mừng với ơn huệ mới được trao ban.

Sau đó, các ông hồn nhiên trao ban những dấu chỉ về niềm tin vào Đức Kitô. Sách Tông Đồ Công Vụ nói với chúng ta là, họ chữa lành những bệnh nhân được đưa đến với họ. Phúc Âm lôi kéo sự chú ý của chúng ta về sự kiện là, sau khi hiện ra với các môn đệ và chúc bình an cho họ, Chúa Giêsu đã ủy thác cho các ông một sứ mạng: “ Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần, tha thứ tội lỗi”.

Chữa lành, giải thoát, đem đến niềm hy vọng, đó là sứ mạng của các kitô hữu. Như thế, họ tiếp tục điều mà Đức Kitô đã khởi đầu. Đón nhận đức tin bao hàm đón nhận sứ mạng này. Nghĩ rằng có thể tin Đức Kitô và sống cách biệt, như trong một pháo đài đóng kín, chính là phạm sai lầm. Tuy nhiên, trước hết đó là công việc của con tim, cũng là công việc của lý trí, tuy nhiên đức tin cũng là công việc dấn thân phục vụ thế giới.

*** Mỗi người trong chúng ta phải có thể kể lại khi nào và thế nào nảy sinh trong mình sự chắc chắn là Đức Kitô hằng sống. Đối với một số người, điều đó được thực hiện một cách hoàn toàn tự nhiên, hầu như là khó nhận thấy, và điều đó được đánh dấu từ khi còn bé. Đối với những người khác, có những thời điểm quan trọng mà họ nhớ được. Còn một số người khác nữa, sau những năm tháng của niềm tin sốt sắng, lại có những lúc lu mờ, rồi sau đó lại khám phá ra Đức Kitô hằng sống. Mỗi người có lịch sử của riêng mình trên con đường gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh.

Sự hiện diện củng cố. Rất sớm, các kitô hữu đầu tiên đã nhận biết rõ: thật là khó khi thực hiện những cử chỉ của Đức Kitô trong thế giới: củng cố, giải thoát, kết hợp những gì bị chia rẽ, đem niềm hy vọng đến nơi nào chỉ còn có thất vọng, nói về sự sống khi người ta đối diện với cái chết…

Chính vì thế mà Sách Khải Huyền ( mạc khải về một tuơng lai gần hay xa ) được viết ra và nói với bảy Giáo Hội ở vùng Tiểu Á ( số bảy: con số chỉ tất cả các Giáo Hội hiện có lúc bấy giờ ). Những Giáo Hội này gặp phải những khó khăn trong việc công bố Tin Mừng Phục Sinh. Nó mời gọi các Giáo Hội hãy can đảm và mạnh dạn lên, đang khi tha thiết nhắc lại rằng, Đức Kitô hiện đang sống trong vinh quang, ngài đã vượt qua sự chết, và ngài nắm giữ những chìa khóa của sự chết và thời gian của những người qua đời.

Chúng ta hãy liên kết với những lời này, đang khi tạ ơn vì đức tin vào sự phục sinh của Đức Kitô, đã được trao ban cho chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com