Chúng ta biết rằng, sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đều được trao ban sứ mạng loan báo Tin Mừng cho người khác. Thế nhưng vấn đề đặt ra là, đâu là ý nghĩa của ơn gọi cao quý nầy, và làm thế nào để sống ơn gọi truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày ?-
Điều đầu tiên cần phải để ý, đó là không ai có thể trở thành môn đệ của Chúa Giêsu do tự ý muốn riêng của mình. Nhất thiết phải được Chúa mời gọi. Điều đó không có nghĩa là, các môn đệ phải thuộc thành phần tinh hoa, ưu tú. Nhưng chỉ muốn nói, ơn gọi nầy là một món quà, một tặng phẩm cao quý. Con người cần phải trân trọng, yêu mến đón nhận.
Đồng thời, người môn đệ chân chính phải luôn luôn mang trong mình nỗi thao thức của chính Chúa Giêsu khi còn ở trần gian: “ Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít”. Đừng có ai trong chúng ta tưởng rằng, những thợ gặt đó chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ, các nhà truyền giáo. Đó là một sai lầm. Không ai có thể trở nên kitô hữu mà không khám phá nơi chính mình nỗi băn khoăn của Chúa trước cánh đồng truyền giáo mênh mông. Vì thế, mỗi người cần ý thức bổn phận, trách nhiệm của mình trong Giáo Hội, trong việc thiết lập Nước Thiên Chúa. Bổn phận đó không phải là từ bỏ những công việc thường ngày, mà là từ bỏ sự thinh lặng, yên tĩnh, thụ động, từ bỏ tính nhút nhát, sự lười biếng của mình để làm việc cho Nước Chúa. Bởi vì, sự đa dạng của tác vụ sẽ đòi hỏi những hình thái khác nhau trong công việc. Mỗi người một cách. Tất cả đều được mời gọi cho mùa gặt thiêng liêng của Nước Chúa.
Nên nhớ rằng, cầu nguyện là nhiệm vụ phải làm trước hết. Bởi vì, việc tông đồ không phải là công việc của loài người, không phải một sự tuyên truyền, hay quảng cáo. Cầu nguyện thực ra đã là loan báo Tin Mừng và kết quả của việc truyền giáo bằng cầu nguyện thì rất sâu xa. Bởi vì truyền giáo xuất phát từ ý định của Thiên Chúa. Ơn hoán cải tâm hồn là ơn Chúa ban. Như thế, việc tông đồ nằm ở trong tầm tay của tất cả mọi người, kể cả những người bề ngoài có vẻ như không có gì để dâng hiến, chẳng hạn các bệnh nhân, những người già cả, ốm yếu. Lời cầu nguyện của những thành phần này rất có giá trị và hiệu quả sâu sắc.
Hơn nữa, truyền giáo là việc của Chúa. Chúng ta chỉ là những người cộng tác. Vì thế, khi làm việc, không phải chỉ cậy dựa vào những phương tiện loài người, và sức riêng của mình, như khả năng, tiền bạc, vật chất... Nói như thế không có nghĩa là phải từ bỏ tất cả phương tiện sẵn có, nhưng chỉ muốn nhắc nhở là, phương tiện chỉ là phương tiện; đừng biến phương tiện thành mục đích. Điều cần thiết là phải có một đời sống đơn giản, những cơ chế nhẹ nhàng, những phương tiện tối thiểu. Điều quan trọng là phải biết nương tựa vào Chúa là chính yếu.
Sau cùng, ngoài việc công bố Tin Mừng: “ Nước Thiên Chúa đã gần” để kêu gọi sự ăn năn, thống hối, người tông đồ còn phải sống Tin Mừng bằng những việc làm cụ thể. Chuyển thông sự bình an và niềm vui, làm việc lành, thực hành việc thiện, đẩy lùi cái ác và sự dữ như bệnh hoạn, tật nguyền, đói khát, nghèo túng, bất công, áp bức… Tất cả sẽ giúp Tin Mừng có một giá trị thực sự, hữu hiệu và đem lại hạnh phúc đích thực.
** Có phải vì không ý thức được điều đó, mà nhiều người không hiểu được bổn phận, từ chối dấn thân, đùn đẩy cho người khác, với chiêu bài là mình không có khả năng, không có thời gian, không có phương tiện.. Chắc chắn là có nhiều khó khăn, thử thách. Chắc chắn là sẽ gặp những chỉ trích, chê bai, dèm pha, không hiểu biết, kể cả bị bạc đãi, bách hại. Không có gì phải ngạc nhiên. Chúa Giêsu cũng đã từng bị chỉ trích, khinh bỉ và lăng nhục. Và ngài cũng cảnh báo là, chúng ta cũng sẽ không được đối xử tốt hơn.
Vì thế, phải cậy dựa vào ơn Chúa, và ngài sẽ ban ơn cho những ai thiện chí. Và phần thưởng cao quý là hạnh phúc thiên đàng sẽ dành cho những ai biết quảng đại, đáp lại lời mời gọi của Chúa, làm việc với Chúa, đem ơn cứu độ cho mọi người.
Đó cũng chính là Ơn Gọi và là Sứ Mạng của chúng ta.