Điều đầu tiên cần để ý là, việc Chúa Giêsu về trời là một hành động của Thiên Chúa. Đó là lời đáp trả của Thiên Chúa Cha đối với tình yêu và lòng trung tín mà Chúa Con đã minh chứng cho ngài. Thiên Chúa đưa về bên cạnh ngài Đấng mà ngài đã sai đến với chúng ta.
Thứ đến, Đức Kitô là người đầu tiên hưởng nhận cử chỉ đầy yêu thương này của Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, không phải chỉ mình Đức Kitô là người duy nhất hưởng nhận hồng ân này. Nơi ngài, tất cả nhân loại đều được lôi cuốn lên cao, về với Thiên Chúa, về Vương quốc đã được hứa ban.
Hôm nay, khi chiêm ngắm và mừng Đức Kitô trở về với Thiên Chúa Cha, và đang ngự bên hữu ngài, chúng ta cũng mừng niềm hy vọng một ngày kia được ở bên cạnh Thiên Chúa; bởi vì, chính vì chúng ta mà Đức Kitô đã sống tất cả cuộc sống: từ sinh ra, cuộc đời công khai, cuộc khổ nạn, cái chết, sự phục sinh và thăng thiên của ngài.
Khi lìa xa chúng ta, Đức Kitô không thờ ơ với chúng ta, không bỏ mặc chúng ta cho số phận. Trái lại, khi kết thúc một giai đoạn trong đời sống vì chúng ta trên trần gian, Đức Kitô bắt đầu một giai đoạn khác, cũng được trao ban cho chúng ta, bên cạnh Đấng trao ban ơn cứu độ, là Thiên Chúa Cha. Khi mừng lễ Thăng thiên, chúng ta không chỉ mừng một biến cố đã qua, là việc Chúa Giêsu trở về cùng Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời chúng ta cũng mừng Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho chúng ta.
Chúa Giêsu về trời còn liên hệ đến chúng ta một cách khác nữa. Đó thực ra như là một điểm, một ánh sáng, một đỉnh cao mà chúng ta phải ngẫng đầu lên và hướng về trong suốt cuộc đời chúng ta. Cũng giống như Đức Kitô để mình lôi cuốn về Thiên Chúa Cha, chúng ta cũng phải để cho ngài đưa chúng ta đi đến nơi ngài ngự trị vĩnh viễn.
Chỗ ở cuối cùng của chúng ta không phải là trái đất, mà là trên trời. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải quay lưng lại với thế giới vật chất hữu hình, không có trách nhiệm gì với nó, hoặc không có bổn phận xây dựng nó. Trái lại, chúng ta phải giang rộng đôi tay ôm lấy trái đất và với tất cả lòng yêu mến, để từ đó, làm thành chất liệu cho việc biến đổi của chúng ta trong tương lai. Trong chiều hướng đó, mỗi ngày trong cuộc sống trần gian, Đức Kitô hướng về việc lên trời. Con đường của ngài hiếm khi là vinh quang, danh dự, mà luôn luôn là một cuộc đấu tranh chống lại tất cả những gì, trên mặt đất, làm biến dạng gương mặt và chương trình của Thiên Chúa Cha. Đó là một cuộc đấu tranh không ngừng chống lại sự dữ, áp bức, và mọi hình thái nô lệ.
Đó cũng chính là con đường của chúng ta. Theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, mỗi môn đệ là một chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất. Không có giới hạn, không có biên giới. Bời vì, Chúa Giêsu loan báo một ơn cứu độ phổ quát, cho tất cả mọi người. Mỗi người phải biết khởi đầu trong thế giới nhỏ bé của mình, trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội…
Chứng từ đó không phải là để dành cho ngày mai. Nó được dành cho ngay ngày hôm nay. Đó là điều mà thiên thần đã làm động đậy các môn đệ, khi các ông này thích thú khi nhìn thấy Thầy mình đang rời xa họ trên cao: “ Tại sao các ông cứ mãi đứng đó mà nhìn về trời cao như thế ?.” Nói khác đi, tại sao chúng ta cứ ở đó phàn nàn về thế gian và không đem lại cho nó lời hằng sống ?- Tại sao chúng ta cứ tìm cách tự bảo vệ mình khỏi thế gian, trong khi ơn gọi của chúng ta là phải dấn thân mà gieo vải Tin Mừng Phúc Âm ?-
Là chứng nhân không phải là một chức vụ béo bở. Làm chứng là một hành vi liều lĩnh. Khi làm theo thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu sau cùng đã phải chịu chết. Các môn đệ đầu tiên cũng vậy. Và rất nhiều người khác cũng thế, trong suốt hơn hai ngàn năm qua.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện được sứ mạng làm chứng này, một sức mạnh được trao ban. Sức mạnh từ trời. Chính là Chúa Thánh Thần. Không thể nào làm chứng nhân mà không có sức mạnh này. Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thì rõ ràng là chính ngài làm chứng trong chúng ta, chính ngài làm chúng ta nên can đảm, kiên cường, và thương cảm trong cuộc chiến gìn giữ niềm hy vọng sống động.
Tiệc Thánh Thể mà chúng ta đang cử hành sẽ trao ban Thánh Thần cho những ai cầu xin ngài.