Dụ ngôn người Samariatanô nhân hậu để lại nhiều sứ điệp quan trọng cho mỗi người kitô hữu chúng ta.
Trước hết, đó là căn tính của người anh em. Vị tiến sĩ Luật hỏi Chúa Giêsu: “ Vậy ai là anh em tôi ?.” Ông ta có câu trả lời. Anh em tôi là tất cả những người mà tôi gặp gỡ trên đường đời. Không phải chỉ những con người tôi đã quen biết. Không phải chỉ người hàng xóm láng giềng, cùng thành phố, làng mạc, cùng dòng giống, màu da hay cùng tôn giáo với tôi. Tất cả mọi người, cho dù họ là ai, cho dù họ như thế nào, đều là anh em tôi. Chúng ta cần phải xác định rõ, không phải chỉ những cá nhân mới có thể trở thành anh em tôi. Những nhóm, những tổ chức cũng đều có thể là anh em tôi. Những người da đen, Tây phương, những người Á châu… đều là anh em tôi.
Vào thời đại chúng ta hiện nay, chắc chắn là cũng thuộc nhóm anh em của tôi là hằng triệu triệu người đàn ông, đàn bà, trẻ em đang đau khổ trên thế giới. Các phương tiện truyền thông xã hội, đài phát thanh, truyền hình, internet… đưa họ đến gần với chúng ta. Họ là anh em của chúng ta. Họ anh em của tôi.
Sứ điệp thứ hai cần phải nắm giữ liên hệ đến thái độ cần phải có trước người anh em, đó là đến gần và hành động. Điều mà Chúa Giêsu đòi hỏi rất đơn giản, nhưng rất khắt khe. Ngài mời gọi đến gần anh em và chăm sóc anh em. Ngài lên án những người chỉ biết đi qua, làm bộ không trông thấy người anh em đang cần sự giúp đỡ.
Thế nhưng, đó lại là thái độ thường thấy của chúng ta. Chúng ta đã quá quen thuộc với đau khổ của những con người đang sống rất gần chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng quá quen với các tai họa của toàn thể các dân tộc đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo. Hằng tuần, hằng tháng, hằng năm, người ta nói về họ qua các trang mạng xã hội, qua báo chí, truyền hình… Chúng ta đánh giá, như vậy là quá nhiều. Ngày mai sẽ còn nhiều hơn nữa. Và chúng ta muốn bước sang chuyện khác.
Người Samaritanô nhân hậu, người thực sự yêu thương anh em mình, là người có một hành động an ủi và giúp đỡ cụ thể. Chúng ta nên nhớ là, người Samaritanô nhân hậu đã không có cho người khốn khổ gặp thấy ở giữa đường tất cả gia sản của mình. Ông ta cũng đã không ở lại nhiều ngày với nạn nhân. Ông ta đã tiếp tục con đường của mình. Thế nhưng, trước khi lên đường, ông đã dừng lại và dành thời giờ để có một cử chỉ, một hành động. Ông ta đã làm những gì ông ta có thể làm. Đó là điều được yêu cầu: làm những gì mà chúng ta có thể làm để chống lại sự khốn khổ mà chúng ta nhìn thấy ngay sát bên cạnh chúng ta, làm những gì mà chúng ta có thể làm để góp phần vào sự thăng tiến số phận của những người hàng xóm láng giềng mà chúng ta biết rõ những nhu cầu của họ. Không phải là làm tất cả. Làm một cái gì đó. Làm điều mà mình có thể làm. Đó là điều mà Phúc Âm mời gọi.
Những sự chọn lựa có tính cách chính trị của chúng ta cũng có thể được xem xét ở đây. Có phải chúng ta đang xây dựng một đất nước thực sự liên đới của tất cả các người nghèo khổ trên thế giới, hay một đất nước mà mục tiêu đầu tiên là giữ gìn và bảo vệ quyết liệt cái vị thế của những người được ưu đãi trong thế giới ?- Cái nền chính trị được đất nước chúng ta chọn lựa để giúp đỡ các dân tộc đang trong tình trạng cần thiết có tính cách Phúc Âm không ?-
Đọc dụ ngôn, chúng ta cảm thấy ray rứt khi nhận thấy rằng, một thầy tư tế và một trợ sĩ đi ngang qua người bất hạnh mà không làm gì cả, và chính là người Samaritanô, nghĩa là một người nước ngoài, một người bị người Do thái đánh giá không có giá trị gì cả, lại đến cứu giúp ông ta.
Thầy tư tế và thầy trợ sĩ này có lẽ phải biết rằng, những lời kinh nguyện, sự thờ phượng và những giờ phút trôi qua để nghiên cứu Kinh Thánh chỉ là gió thoảng mây bay, nếu chúng không đưa dẫn tới tình yêu anh em một cách cụ thể. Không phải là phải chê bai hay hủy bỏ ra khỏi cuộc sống chúng ta việc cầu nguyện, phụng vụ ngày Chúa nhật và việc tìm hiểu Lời Chúa. Ngược lại, phải siêng năng, miệt mài. Cần phải càng ngày càng làm nhiều hơn, càng ngày càng hay hơn, nhưng không quên đi đến với anh em. Cần phải nhiệt tình với việc thờ phượng, nhưng là để đi đến với anh em một cách tốt đẹp hơn.
Chúng ta không buộc phải chọn lựa giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em, giữa việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em, giữa bàn thờ là nơi mà Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta, và anh em cũng là cái địa chỉ mà ngài đến gặp gỡ chúng ta. Cả hai đều phải được chọn lựa: Thiên Chúa và anh em. Phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em: cả hai đều cần phải sống và thực hiện.
Và như chúng ta đã biết, để kiểm chứng đâu là tính chân thật và giá trị của việc phụng sự dâng lên Thiên Chúa và tình yêu mà chúng ta đem đến cho ngài, điều thiết yếu là phải xét xem chúng ta yêu mến và phục vụ anh em chung quanh như thế nào.
Hãy sống và thực hiện như người Samaritanô nhân hậu, thì chúng ta sẽ được sự sống đời đời.