Thứ Năm, 29 Tháng Tám, 2019 00:00
Chúa nhật XXII Quanh năm C ( Lc 14, 1. 7-14 )

Trong bữa tiệc tại nhà một thủ lãnh những người biệt phái, nhận thấy những người giàu có, sang trọng, chức quyền thích chọn những chỗ trên trước, danh dự, Chúa Giêsu mời gọi đến sự khiêm nhượng. Sự khiêm nhượng này đã được Chúa Giêsu sống, làm gương, và có những đặc tính sau đây:

Trước hết, đây không phải là sự khiêm nhượng giả tạo, giả hình, của những người thèm khát những chỗ nhất, sang trọng, mà là sự khiêm nhượng làm vui lòng Thiên Chúa, bởi vì nó mang dấu ấn sự kính trọng và quý mến đối với người khác. Nhân đức này liên quan đến con tim, đến tấm lòng. Thực vậy, người ta vừa có thể là người lãnh đạo, thi hành trách nhiệm của mình với tất cả sự khiêm nhượng; ngược lại, người thấp kém, tầm thường vẫn có thể thích khoe khoang, phô trương, kiêu ngạo.

Thứ đến, sự khiêm nhượng liên kết với Đức Vâng lời. Không phải là một sự vâng lời nô lệ, mà là sự vâng phục lắng nghe thánh ý Thiên Chúa. Chính nhờ sự vâng phục hoàn toàn theo thánh ý Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đã trở thành một của lễ toàn hảo, có giá trị đem lại ơn cứu độ cho mọi người.

Đồng thời, dấu chỉ của sự khiêm nhượng đích thực được nhận ra nơi những cử chỉ hy sinh, phục vụ anh em. Phục vụ, chứ không thống trị. Không tính toán, hơn thiệt. Không tham vọng, thèm muốn vinh quang. Chỉ muốn giúp người khác được hạnh phúc.

Ngoài ra, không phải chỉ làm một vài cử chỉ “ khiêm nhượng ”, chỗ này hay chỗ khác, thì đã trở nên người khiêm nhượng. Mà là một thái độ sống, trải dài suốt cả cuộc đời. Nó được tỏ lộ ra trong lời nói, việc làm, hành động, tiếp xúc, gặp gỡ. Trong bất cứ lúc nào. Ở bất cứ nơi đâu.

Do đó, để có thể lớn lên trong sự khiêm nhường, theo gương Chúa Giêsu, cần phải có những điều kiện không thể thiếu:

Một là biết chấp nhận chính mình. Chúng ta thế nào, thân phận, con người chúng ta ra sao, chúng ta chân thành chấp nhận như thế. Không tự tôn quá đáng, cũng không mặc cảm tự ti. Chấp nhận những gì là mình, những gì mình có, là cách cảm tạ ơn Chúa đã thương ban.

Hai là thán phục công trình của Thiên Chúa, nghĩa là nhìn nhận rằng, Thiên Chúa là Chúa, còn chúng ta là thụ tạo của ngài. Vì thế, hãy cầu xin ơn biết mở rộng tâm hồn mình ra, để biết đón nhận những ơn huệ Thiên Chúa trao ban.

Ba là nhìn nhận rằng, những ơn huệ không thuộc về chúng ta. Người kiêu ngạo qui về chính mình những tài năng, bản lãnh mà Chúa trao ban. Trong khi đó, người khiêm nhường luôn sống trong ân sủng của Chúa.

Điều kiện thứ bốn quan trọng hơn hết, đó là Tình yêu. Khiêm nhường và bác ái yêu thương đi chung với nhau. Người khiêm nhường biết nhìn đến người nghèo, tàn tật, đau khổ. Họ hành động với một sự tế nhị, dịu dàng, nhờ đó biến đổi những mối quan hệ nên tốt hơn.

Đức Kitô là suối nguồn của sự khiêm nhường. Chính ngài đưa dẫn chúng ta vào Nước Trời. Đức Maria là khuôn mẫu của sự khiêm nhượng. Ngài sẽ tháp tùng chúng ta vào hưởng hạnh phúc viên mãn. Chúng ta hãy để các ngài giúp chúng ta trên đường nên thánh, bằng chính sự khiêm nhường cao quý.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com