Thứ Năm, 07 Tháng Mười Một, 2019 00:00
Chúa Nhật XXXII Quanh năm C ( Lc 20, 27-38 ) - 2019

Vào thời Chúa Giêsu, có hai quan niệm trái ngược nhau về những gì sẽ xảy ra, sau cái chết.

Một đàng, những người biệt phái tin rằng, có sự sống lại sau khi chết. Theo đó, đời sau chỉ là nối dài cuộc sống đời này; người ta sẽ tiếp tục cưới vợ gả chồng, và các phụ nữ có khả năng sinh sản rất lớn, thậm chí mỗi người có thể có cả ngàn đứa con ( Hénoch ). Đó là một quan niệm rất ấu trĩ, nực cười.

Ngược lại, những người thuộc phái Saducêô thì lại chủ trương không có sự sống lại, nhất là sống lại theo cách hiểu của những người biệt phái trên kia. Bởi thế cho nên, khi biết Chúa Giêsu giảng dạy về sự sống đời sau, họ mới đặt một câu hỏi có vẻ giễu cợt để gài bẩy Chúa. Người đàn bà sẽ là vợ của ai ở đời sau, bởi cả bảy anh em đều cưới lấy chị ta làm vợ, theo luật Môisen, để có con nối dõi tông đường ?-

** Từ xưa đến giờ, tự thâm tâm mỗi người đều tin ít nhiều vào cuộc sống ở thế giới bên kia. Trong những ngôi mộ rất cổ xưa, người ta tìm thấy những thứ lương thực, thức ăn đặt bên cạnh người chết, với ý nghĩ là người chết sẽ tiếp tục sử dụng, mặc dù không còn tồn tại trên trần gian này. Còn người thời nay, vốn rất đa nghi, đã giải thích niềm tin vào cuộc sống mai hậu, bằng cách cho rằng, đó là dự phóng của nỗi khao khát được trường sinh bất tử, để an ủi con người trước cái chết không thể nào tránh khỏi.

Còn với Chúa Giêsu, ngài chú ý tới hai điểm. Thứ nhất là chắc chắn có sự sống lại của thân xác. Ngài phán: “ Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ không chết bao giờ ”. Thứ hai, sự sống lại đó không giống như những người biệt phái vẫn lầm tưởng.

Bởi vì, Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, chứ không phải của người chết. Ngài tự nhận mình là Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacob, là những người còn sống. Ngài mời gọi con người đến cuộc sống là để sống, để tồn tại, chứ không phải để bị sự chết khuất phục trong ngõ cụt. Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, sống dồi dào, sống hạnh phúc.

Hơn nữa, thân xác nhân loại, khi còn ở trần gian đã cùng với linh hồn, sống theo thánh ý Chúa, thì sau cái chết, cần phải sống lại để chung hưởng vinh phúc thiên đàng, trong Nước Chúa. Như thế mới hợp lý theo cách suy luận bình thường.

Đàng khác, khi nhấn mạnh con người sống lại giống như các thiên thần, Chúa Giêsu muốn xác định rõ, con người phục sinh sau cái chết là con Thiên Chúa. Họ sống trong nguồn hạnh phúc thiên đàng. Họ kết hợp mật thiết với Đấng Tạo Hóa. Lúc đó, người ta không cần phải lập gia đình để tiếp tục sinh con đẻ cái, bởi ngưòi ta sẽ không bao giờ chết nữa. Người ta có một thân xác giống như thân xác của Chúa Giêsu sau khi phục sinh. Cũng là một thân xác, nhưng lại hoàn toàn khác. Những dấu đinh nơi tay chân vẫn còn đó, dấu lưỡi đòng đâm cạnh nương long vẫn còn mở rộng, những vết thương do các gai nhọn vẫn hằn lên da thịt; thế nhưng, ngài lại hiện ra trước mặt các môn đệ trong phòng kín, đang khi các cửa vẫn còn đóng chặt. Ngài vẫn ăn uống như một người bình thường, nhưng lại xuất hiện bất cứ nơi nào ngài muốn, bất chấp những định luật thiên nhiên về không gian và thời gian. Ngài không còn bị lệ thuộc bởi những điều kiện sống của con người phàm trần. Thánh Phaolô gọi đó là thân xác thiêng liêng. Những người được sống lại cũng giống như thế.

Sự sống lại đó hoàn toàn khác với sự hồi sinh của con gái ông Giairô, của cậu thanh niên, con trai của người đàn bà góa thành Naim, của Lagiarô ở Bêtania được nhắc đến trong Phúc Âm. Những người này đã được Chúa hồi sinh sau khi đã nếm mùi cái chết. Họ tiếp tục cuộc sống trước kia. Cũng ăn uống, ngủ nghỉ. Cũng có thể lập gia đình để có con cháu. Và rồi sau đó, họ sẽ lại phải chết. Thân xác sẽ tiêu tan trong lòng đất.

** Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Ngài vẫn yêu thương chúng ta qua bên kia cái chết. Ngài không tạo dựng chúng ta để rồi bỏ rơi chúng ta vào hư không, quên lãng. Ngài muốn chúng ta được sống, và được sống dồi dào, trong hiện tại và mãi mãi mai sau. Sự sống vĩnh cửu chính là một ơn huệ của Chúa. Đó là sự sống thần thiêng của riêng ngài. Là ơn cứu độ được trao ban do tình yêu. Ngài cũng chính là Thiên Chúa mà chúng ta vẫn tiếp tục yêu mến sau cuộc sống đời này. Chúng ta yêu mến ngài. Chúng ta sống vì ngài. Chúng ta sẽ mãi mãi yêu mến và sống vì ngài, ngay cả bên kia cái chết. Đó là niềm tin, niềm hy vọng và lẽ sống của chúng ta.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com