43137 giờ 12 phút trước
Chúa nhật XXIX Quanh năm C Chúa nhật Truyền giáo. ( Lc 18, 1-8 )

Không ai trong chúng ta có thể sống đời kitô hữu mà lại không cầu nguyện. Thế nhưng, cầu nguyện là gì và cầu nguyện như thế nào để được nhậm lời ?- Đó là điều mà Lời Chúa hôm nay muốn nhắn nhủ chúng ta.

Theo một ý nghĩa tổng quát và thông dụng, cầu nguyện chỉ tất cả những liên hệ của tâm trí với Thiên Chúa, hoặc để cầu xin ngài một ơn lành, hoặc để ca tụng, tạ ơn ngài, hay để tỏ ra khiêm nhường trước mặt ngài. Như thế, lời cầu nguyện phải để ý đến những yếu tố sau đây:

Trước hết, cầu nguyện phải nói lên niềm tin. Tin vào Thiên Chúa đầy lòng yêu thương và toàn năng, hiện thân nơi Chúa Giêsu nhân hiền. Ngài là Cha tốt lành, luôn mong muốn và ban mọi ơn lành cho con cái loài người. Tình yêu của ngài bao trùm trên tất cả cuộc sống, trên tất cả mọi người, không loại trừ ai. Ngài luôn luôn nhậm lời cầu xin của con cái loài người như Chúa Giêsu đã khẳng định: Hãy xin, thì sẽ được.

Thứ đến, điều cầu xin phải chính đáng và hữu ích, phải tín nhiệm và kiên trì. Những đứa bé đôi khi cầu xin cha mẹ những điều mà chúng nghĩ là rất tuyệt vời và thích thú; trong khi đó, thực tế cho thấy, chẳng những không có lợi, mà còn có hại nữa. Như trường hợp đứa bé hai, ba tuổi đòi chơi với lửa, hay với dao nhọn, sẽ không hiểu tại sao cha mẹ chúng lại từ chối. Trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những em bé còn nhỏ tuổi, chưa biết nhiều. Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta, điều gì có ích cho chúng ta hơn.

Sở dĩ đôi khi Thiên Chúa để chúng ta phải chờ đợi, phải chăng là vì ngài muốn chúng ta ý thức rõ sự bất lực, yếu đuối và giới hạn của chúng ta, cũng như sự cần thiết phải có sự trợ giúp không thể thiếu của ngài ?- Phải chăng ngài muốn thử thách lòng tin của chúng ta ?- Phải chăng ngài muốn tăng cường đức tin, lòng trông cậy và sự bền chí của chúng ta trước khi đáp lại lời cầu xin của chúng ta ?- Hơn nữa, chậm đáp lại cũng là một cách giúp hiểu rõ hơn giá trị của ơn lành cao quý được trao ban. Một món quà nhận được một cách dễ dàng có thể làm cho đương sự không ý thức, không trân trọng đúng mức.

Ngay cả khi, bề ngoài có vẻ như không được như ý, nhưng chúng ta cũng biết rằng, ở bên trong, Thiên Chúa đã nhậm lời cầu xin, ban cho chúng ta vượt quá điều chúng ta mong ước, ở một mức độ cao hơn. Chẳng hạn, khi hấp hối trong vườn Gietsemani, Chúa Giêsu đã thống thiết cầu nguyện, xin cho khỏi phải uống chén đắng, là cái chết tủi nhục sắp đến. Bề ngoài có vẻ như không được nhậm lời. Thế nhưng, lời cầu xin đó đã được chấp nhận bởi hiệu quả vô cùng lớn lao, nhờ việc hy sinh của ngài. Biết bao nhiêu người đã được cứu rỗi nhờ chén đắng nầy của Chúa Giêsu. Sự nhậm lời đích thực ở đây, chính là sự phục sinh vinh quang. Thiên Chúa luôn ban điều tốt đẹp nhất cho chùng ta.

Tuy nhiên, cầu nguyện đích thực không phải chỉ là những lời nói suông, một thái độ thụ động, một sự ym lặng chờ đợi. Thiên Chúa không phải là một vị thần bao cấp. Ngài không làm thay chúng ta những gì mà chúng ta cần phải làm. Ngài không phải là bức bình phong che dấu sự lười biếng, lẩn tránh và hèn nhát của chúng ta. Người đàn bá goá trong Phúc Am đã khăng khăng đấu tranh đòi hỏi công lý. Không ngừng kêu oan, bà can đảm gõ cửa quan toà cho đến khi ông ta bằng lòng xét xử cho bà. Bà quả là một chiến sĩ kiên cường. Lời cầu nguyện của bà là một cuộc chiến đấu bền bỉ, một sự dấn thân toàn diện. Vì thế, cầu nguyện và hành động. Cả hai đều không thể thiếu. Ví dụ, chúng ta cầu xin cho được thoát khỏi một thói xấu nào đó, một cơn cám dỗ nào đó. Đó là một lời cầu nguyện rất tốt. Vấn đề là chúng ta có cầu nguyện thực sự với niềm tin, trông cậy và kiên trì hay không ?- Nhất là chúng ta có nỗ lực can đảm chiến đầu chống lại thói xấu và cơn cám dỗ nầy không ?- Thiên Chúa không miễn trừ sự cố gắng của chúng ta. Ngài chuẩn bị những phương tiện cần thiết nằm trong tầm tay chúng ta, như các bí tích, để chúng ta sử dụng,và thực hiện ý Chúa trên cuộc đời chúng ta.

Như thế, để được chấp nhận, lời cầu nguyện phải thực sự có ích lợi cho hạnh phúc đời đời, phải kiên trì, tin tưởng, kèm theo nỗ lực cộng tác của cá nhân. Thiên Chúa là Cha. Ngài biêt chúng ta cần gì. Ngài rộng rãi trao ban điều tốt đẹp nhất cho chúng ta.

*** Hôm nay, Ngày Thế Giới Truyền Giáo, cách đặc biệt là Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường, nhắc chúng ta nhớ sứ mạng cao quý được trao ban khi chịu phép Rửa tội. Trở thành con cái của Chúa, được đức tin sưởi nóng, được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, mỗi người sẽ là một ngọn đèn sáng giúp chính mình và anh em chúng quanh đi đến với Chúa, chung hưởng hạnh phúc với Chúa.

Làm thế nào để mọi người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu ?- Làm thế nào để giới thiệu Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật ?- Vì yêu thương đã đến trần gian, bằng một tình yêu hy sinh, phục vụ, ngài dâng hiến mạng sống mình để cứu chuộc tất cả nhân loại. Ngài đã thực hiện công cuộc cứu chuộc bằng đời sống, cuộc khổ nạn, cái chết tủi nhục trên thập giá và sự phục sinh vinh quang. Để có thể được cứu thoát khỏi ma quỷ, tội lỗi và sự  chết, nhất thiết phải đến với ngài, phải sống theo giới luật yêu thương của ngài, phải đi theo con đường của ngài. Để có thể loan truyền ơn cứu độ hồng phúc đến với tất cả mọi người, mọi thời đại, khắp mọi nơi, cho đến ngày tận thế, ngài cần đến sự cộng tác của các môn đệ, của chúng ta.

Theo thống kê mới nhất, hiện nay nhân loại có khoảng bảy tỷ người. Trong số đó, số người tin vào Thiên Chúa là gần hai tỷ. Như thế, còn hơn hai phần ba trên thế giới chưa biết, chưa tin Chúa. Làm thế nào để đưa dẫn tất cả về với Chúa. Đó là một sứ mạng cao quý và cũng rất nặng nề, nhất là trong hoàn cảnh rất phức tạp và tế nhị, đầy chuyển biến bất ngờ như hiện nay.

Khi phán rằng: “ Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đến gặt lúa”, Chúa Giêsu muốn hướng dẫn chúng ta cách thức chu toàn nhiệm vụ. Trước hết là hãy cầu nguyện. Cầu nguyện để ý thức mình yếu kém, không có Chúa thì không có thể làm gì được. Cầu nguyện để nhận rõ là, cộng tác với Chúa là một ơn huệ lớn lao, đến với Chúa là do lòng nhân từ của Chúa..

Cầu nguyện đích thực còn là nỗ lực làm việc, dâng hiến thời giờ, công sức, tiền bạc của cải, và những phương tiện sẵn có cho thánh ý Chúa được thực hiện. Nhất là, trong những điều kiện hiện tại, chính gương sáng đời sống yêu thương, bác ái, được thể hiện qua tư tưởng, lời nói, việc làm, sẽ là cách thức giới thiệu Chúa có hiệu quả nhất. Ngày nay, người ta không tin vào những lý thuyết, những lời nói suông. Nhưng sẽ đi theo những chứng nhân, những gương mẫu đời thường để chọn lựa, quyết định và tiến bước.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com