Vào cuối niên lịch phụng vụ, chúng ta cứ tưởng là, sau cùng, Giáo Hội sẽ giới thiệu Đức Kitô chiến thắng khải hoàn, oai hùng ngự đến bày tỏ cho những người được phục sinh nhìn thấy cái vương quyền đã được thu đạt một cách đau khổ trên thập giá. Chúng ta ưa thích nhìn ngắm Đức Kitô vinh quang, sau khi đã tiêu diệt mọi kẻ thù, và nhờ đó, khơi dậy sự phấn khởi nơi những người được tuyển chọn. Ấy thế mà, ở đây lại là hình ảnh của một Đức Kitô bị sỉ nhục, bỏ rơi, đánh đòn, nhạo cười, xiềng xích, biến dạng, bất lực trước sự gian ác của loài người.
Nơi Chúa chịu đóng đinh, đám đông dân chúng như ngây dại, đứng nhìn mà không hiểu biết gì. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thì cười cợt, chế giểu. Các tên lính thì nhạo báng chê bai. Một trong những tên tử tội cùng chịu đóng đinh với ngài cũng không tiếc lời thách thức, dèm pha, khích bác.
Chính trong giờ phút thảm hại đó mà Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta cái địa vị cao cả và tình yêu tuyệt vời của ngài. Ngài long trọng hứa ban Nước Trời cho người trộm lành đã nhận ra vương quyền của ngài. Ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai. Qua cái chết tủi nhục này, anh ta sẽ được chia sẻ hạnh phúc thiên đàng. Nơi Thiên Chúa ngự trị vinh quang.
Thì ra, vương quyền duy nhất của Chúa Giêsu, chính là vương quyền của “ Người Tôi Tớ Thiên Chúa ”. Chính vì tinh thần phục vụ mà ngài trở nên trước hết và trên hết. Chính trong tình yêu mà ngài thực sự là vua của muôn người. Chiếc ngai của ngài là cây gỗ giá. Vương miện nhà vua lại là mão gai đẩm máu, cắm sâu vào da thịt. Cẩm bào hoàng tộc lại là tấm thân trần trụi, đầy những vết thương đau đớn. Lãnh địa của ngài thì không có biên giới, nhưng lại rộng mở đến tất cả những tâm hồn thiện chí ở khắp mọi nơi.
Theo thói thường, để là một vị vua, cần thiết phải có một cung cách bề ngoài nào đó, gây nên sự khâm phục nơi người khác. Thế mà, nhất là trong cuộc Thương Khó, chưa bao giờ Đức Kitô xuất hiện một cách tương xứng như thế. Hãy nhìn ngài đang chịu đau khổ. Hãy nhìn ngài đang chết dần chết mòn. Đó là một cái chết của bậc siêu nhân: sự vĩ đại của ngài bừng nở trong bóng tối của đồi Golgotha hơn là trong ánh sáng của ngọn núi Thaborê. Lãnh nhận cái chết mà không một lời ta thán, không một một lời trách móc, ngài chỉ cho thấy một kiểu mẫu của vương quyền thực sự. Không cần đến bạo lực, trấn áp, mà là tình yêu tha thứ. Lãnh nhận cái chết vì các thần dân của mình, ngài thiết lập một vương quốc mà nhà vua là người sống vì người khác; lo lắng tìm kiếm hạnh phúc cho tất cả mọi người trước khi nghĩ đến bản thân cá nhân mình.
Hơn nữa, một vị vua chỉ được nhìn nhận hợp pháp khi được thần dân yêu mến và thán phục. Cần phải biết khơi gợi tình yêu này. Điều đó chỉ có thể thực hiện khi chính đương sự biết yêu thương thần dân của mình một cách chân thành và cụ thể. Thế mà, chưa bao giờ Đức Kitô đã mạc khải tình yêu thắm thiết của ngài dành trọn cho nhân loại cho bằng lúc này, khi ngài chịu đau khổ và chịu chết cho họ. Bởi vì, “Không có tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống cho người mình yêu ”. Thập giá, cái hình khổ ô nhục này, đã trở nên một chiếc ngai vinh quang, bởi vì nó đã trở thành dấu chỉ chắc chắn và hiển nhiên tình yêu của Thiên Chúa. Còn hơn tất cả những ngôn từ hoa mỹ nhất của nhân loại, đôi cánh tay ngài dang ra, trái tim ngài rộng mở đã nói cho con người biết, ngài yêu họ biết bao và ngài muốn đón tiếp họ thế nào.
Bởi thế cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi mà, từ hơn hai ngàn năm nay, đã có biết bao nhiêu người bị chinh phục bởi người chịu đóng đinh thập giá này. Ngài đã từng nói trước: “ Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ lôi cuốn mọi người đến cùng Ta.”