Thứ Sáu, 10 Tháng Giêng, 2020 00:00
Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm A ( Mt 3, 13-17 ) - 2019

Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả ở sông Giođan. Đó là một biến cố chính yếu trong lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu, trong sự hiểu biết căn tính và mầu nhiệm của ngài. Đó cũng là một biến cố chính yếu cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Bởi vì ở đó, chúng ta sẽ nhận thấy sự khiêm tốn, tự hạ của Thiên Chúa và bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu.

Thật vậy, đối với đám đông dân chúng ở chung quanh Gioan Tẩy Giả vào ngày hôm đó, việc Chúa Giêsu đến sông Giođan xin chịu phép rửa được xem như là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt. Nhưng đối với chúng ta, là những kitô-hữu đã được loan báo Tin Mừng Phục Sinh, thì điều đó làm chúng ta cảm thấy bối rối, hoang mang. Bởi vì Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng sáng tạo vũ trụ vạn vật, Đấng giải thoát dân Israel ra khỏi đất Ai Cập, tác giả của Mười Điều Răn được trao ban cho Môisen trên núi Sinai, Đấng vĩnh cữu, hằng có đời đời... lại khiêm tốn hoà nhập vào dòng người xin chịu phép rửa. Khi bước xuống, dìm mình trong dòng nước như tất cả những người khác, Con Thiên Chúa tự đặt mình vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi. 

Chúng ta biết rằng, Gioan Tẩy Giả chọn sông Giođan làm phép Rửa Thống Hối cho dân chúng, để loan báo và chuẩn bị việc Thiên Chúa sắp đến, đem lại ơn cứu độ cho con người. Trải qua mọi thời, ở khắp mọi nơi, nghi thức nhúng mình vào nước là biểu tượng của sự đổi mới, canh tân và thanh tẩy. Qua nghi thức nầy, con người ý thức mình là tội nhân, cần phải ăn năn thống hối, cầu xin được tha thứ, và ước mong được giao hoà với Thiên Chúa. Khi nhận lãnh phép rửa của Gioan, Chúa Giêsu tự nguyện đứng trong hàng ngũ loài người, liên đới với loài người một cách toàn diện, với những khát vọng sâu thâm nhất. Đấng vô tội tự nguyện nhận lấy thân phận tội nhân, gánh lấy tội lỗi của con người, để giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Là Con Thiên Chúa, ngài không cần đến sự tha thứ, cũng không cần phải được giao hoà với Thiên Chúa; ở đây, ngài muốn thực hiện sự khiêm tốn, tự đặt làm gương mẫu cho những ai muốn được cứu thoát.

Cũng trong dịp nầy, bản tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu cũng được công bố, xác nhận. « Đây là Con Ta yêu dấu, Con đẹp lòng Ta mọi đàng ». Từ trời cao, Thiên Chúa Cha lên tiếng khẳng định mối liên hệ phụ tử, cha con với Chúa Giêsu, với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu. Đó là sự bày tỏ đầu tiên về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua đó, mối dây liên kết chặt chẽ giữa nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu đã được loan báo. Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là con người thật. Ngài đẹp lòng Thiên Chúa Cha vì đã làm tròn thánh ý Chúa Cha. Ngài thực hiện và trao ban ơn cứu độ bằng tình yêu thương khiêm tốn, hiến thân cho nhân loại qua cái chết tủi nhục và sự phục sinh vinh quang của ngài.

*** Chính trên nền tảng thiên tính của Chúa Giêsu Nagiaret mà Đức Tin và đời sống của Giáo Hội được thành hình và nảy sinh. Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai được mong đợi. Ngài đến đem lại sự sống, tình yêu, tha thứ và ơn cứu độ. Sứ mạng của Giáo Hội và của mỗi người chúng ta là tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu bằng một đời sống yêu thương, khiêm tốn, phục vụ và hy sinh. Khi đến lãnh nhận phép rửa thống hối của Gioan, Chúa Giêsu đón nhận thân phận tội lỗi của loài người để thánh hoá và trao ban ơn cứu độ muôn đời.

Cũng vậy, mỗi người chúng ta hãy biết khiêm tốn chấp nhận con người bất toàn của chúng ta, cũng như của anh em chung quanh với những khuyết điểm, thiếu sót, lỡ lầm, để sám hối ăn năn, để cải thiện canh tân, và nỗ lực trở nên tốt hơn, xứng đáng trở nên Con Chúa, xứng đáng đón nhận ơn cứu độ muôn đời trong Vương Quốc Tình Yêu của ngài.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com