Để hiểu rõ câu chuyện Biến hình, điều quan trọng là nhớ lại biến cố này xảy ra sáu ngày sau khi Chúa Giêsu thông báo cho các môn đệ là “ ngài sẽ phải đi lên Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các kỳ lão, trưởng tế và luật sĩ, sẽ bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.”
Phêrô đã không chấp nhận điều đó ! Ông kêu lên:“ Lạy Chúa, Thiên Chúa sẽ gìn giữ Chúa khỏi điều đó !” Thế nhưng, Chúa Giêsu đã đáp lại một cách dữ dội: “ Hãy xéo ra đàng sau Ta ! Hỡi Satan ! Con là chướng ngại trên con đường của Thầy, tư tưởng của con không phải là tư tưởng của Thiên Chúa…” Sau đó, ngài xác định rõ rằng, nếu ai muốn bước đi theo ngài, thì phải từ bỏ mình và vác lấy thập giá mình.
Các tông đồ chắc chắn đã không thể lãnh hội được lời giáo huấn này, và Chúa Giêsu cũng đã ý thức rằng, khi cái thời điểm mà ngài phải sống những gì đã loan báo, thì các môn đệ sẽ hoàn toàn mất hết nhuệ khí. Vì thế, ngài đem theo ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để được biến hình trước mặt các ông; đây cũng chính là những người mà ngài sẽ chọn để ở lại và canh thức với ngài vào giờ phút Khổ nạn.
Điều xảy ra theo lịch sử vào thời điểm đó không phải là điều chính yếu cần phải quan tâm. Bản văn nói đến một “ thị kiến”. Điều chắc chắn là, lúc bấy giờ ba môn đệ đã sống một cảm nghiệm rất ấn tượng về cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, được dành riêng để làm cho các ông trực giác, nếu không hiểu hoàn toàn, Thầy của họ là ai và số phận của ngài thế nào. Cảm nghiệm này cũng có mục đích là giúp các ông giữ vững tinh thần khi đến cái thời điểm Chúa Giêsu bước vào cơn hấp hối, sống cuộc Khổ nạn, rồi chết trên thập giá. Vào giờ Khổ nạn, cả ba người thị kiến đã quên tất cả. Các ông đã không hiểu rằng, Đức Kitô biến hình loan báo Đức Kitô sẽ phục sinh.
Đối với chúng ta, câu chuyện biến hình có một ảnh hưởng cụ thể. Nó nhắc nhớ chúng ta sự quan trọng của việc gặp gỡ Đức Kitô và biết được, ngài thực sự là ai, để chúng ta dứt khoát lắng nghe ngài, để chúng ta hoàn toàn đặt tin tưởng nơi ngài, và để chúng ta cương quyết dấn thân vào con đường thập giá khó khăn, mà ngài đã vạch ra cho chúng ta.
Con đường này, con đường ăn năn thống hối và đấu tranh chống lại sự dữ ở trong chúng ta và bên ngoài chúng ta, chúng ta được mời gọi đi lại con đường đó một cách đặc biệt mỗi năm, trong Mùa Chay. Bổn phận thì rất đòi hỏi, nhục nhã. Chúng ta không luôn luôn đồng ý với một tâm hồn vui tươi. Chính vì thế mà, ngay từ chúa nhật thứ hai mùa chay, Giáo Hội đặt trước mắt chúng ta cái khung cảnh Biến hình của Chúa Giêsu. Khung cảnh này lặp lại cho chúng ta biết rằng, Mùa Chay và sự sám hối dẫn chúng ta đi đâu, thập giá và những nỗ lực được thực hiện để sống theo tinh thần của Đức Kitô, chứ không theo tinh thần của thế gian, sẽ dẫn chúng ta đi đâu. Tất cả những nỗ lực này dẫn đến sự biến hình, ánh sáng và sự sống. Chúng là nguồn của một sự đổi mới nội tâm của tất cả con người chúng ta. Cuộc Biến hình lặp lại cho chúng ta rằng, chúng ta sẽ có thể trở nên khác, và hạnh phúc hơn, nếu chúng ta đồng ý giết chết trong chúng ta cái gì làm chúng ta xa lìa Đức Kitô, và vun trồng cái gì làm chúng ta gần gũi với ngài.
Chúng ta đang ở tuần thứ hai trong Mùa Chay. Chúng ta hãy tự hỏi xem điều chúng ta đã hoàn thành cho đến hôm nay để chúng ta dấn thân hơn trong sự cầu nguyện, trong tình yêu đối với anh em và trong sự chia sẻ của cải của chúng ta. Cuộc chiến nào chúng ta đã thực hiện chống lại tất cả những gì mà chúng ta hơi xấu hổ và chúng ta che dấu ?- Ý muốn nào chúng ta đã bày tỏ mở rộng lòng chúng ta trước lời mời gọi mà Chúa Thánh Thần trao gởi chúng ta trong năm nay ?- Những lời mời gọi của ngài luôn luôn mới mẻ. Chúng được tỏ ra qua những gì mà chúng ta phải sống: một sự thành công, một thất bại, một quyết định quan trọng phải thực hiện, một cú sốc làm chúng ta lung lay, một tai nạn về sức khỏe, một người làm chúng ta thất vọng, sự loan báo một cái tang…
Thỉnh thoảng chúng ta nghe nói rằng, Mùa Chay thời đại mới còn lâu mới so sánh được với những Mùa Chay mà ông bà cha mẹ chúng ta đã sống. Chắc chắn rồi ! và nhất là nếu sống Mùa Chay, chính là tuân phục những đòi hỏi chi li bên ngoài được ấn định từ trước. Tuy nhiên, tự căn bản, Mùa Chay của chúng ta cũng không khác bao nhiêu với những Mùa Chay ngày xưa, bởi vì, cũng giống như những Mùa Chay ngày xưa, chúng mời gọi chúng ta “ lắng nghe” Con yêu dấu của Chúa Cha, để bước theo ngài tốt hơn và dấn thân một cách nghiêm túc trên con đường khó khăn, nhưng là con đường duy nhất, dẫn đến Phục Sinh.