Sau bữa tiệc ly biệt, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu có thể được tóm tắt qua mấy chi tiết sau đây: Chúa Giêsu bị Giuda bán đứng với giá ba mươi đồng, bị bắt và bị trói, bị Caipha và Philatô xét xử và kết án một cách bất công, chịu đánh đòn, đội mão gai, chịu sỉ nhục, khạc nhổ, đóng đinh vào thập giá, và chết một cách thảm thương... Ngài chết mà không mở miệng than phiền, trách móc. Nếu ngài có nói, là để xin tha thứ cho các lý hình đã hành hạ và giết chết ngài.
Điểm nổi bật đặc biệt là, ngài tự nguyện đón nhận và sống cuộc Khổ Nạn đó, chứ không bị bắt buộc. Vì tình yêu thương, ngài trao ban mạng sống, chứ không bị cướp lấy đi. Với một sức mạnh tinh thần siêu nhiên, ngài thanh thản bước vào cuộc Khổ Nạn. Ngài chúc tụng, cảm tạ, ngợi khen và cám ơn, vì Giao Ước Mới, tuyệt vời giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được thực hiện tốt đẹp, vì cái chết của ngài sẽ cứu thoát được nhiều người, và vì nhờ thánh giá mà tội lỗi được tha thứ.
Ngài tự ví mình như hạt lúa miến. Phải chết đi để sống sung mãn. Đó là điều kiện tất yếu, không thể thiếu, không thể thay thế. Hạt lúa gieo xuống đất, lớn lên và phát triển, mang nhiều hạt lúa khác trong ngày mùa. Hạt lúa được xay ra, trở thành bánh và lương thực cho một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Đó cũng là ý nghĩa của lễ Phục Sinh: một sự biến đổi của sự sống được thực hiện trong cái chết của Chúa Giêsu. Đó cũng là ý nghĩa của mỗi thánh lễ tạ ơn; qua đó, chúng ta được biến đổi, được thần thánh hoá trong sự tự hiến của Chúa Giêsu.
Do đó, bài Thương Khó đối với chúng ta không phải là một câu chuyện đẹp, đã qua, lỗi thời. Trái lại, cuộc Khổ Nạn luôn luôn có tính cách thời sự: Với đức Tin, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Kitô đang chịu thương khó nơi các anh em đang gặp khó khăn đau khổ. Sự hèn nhát của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, cũng đều lặp lại việc chối thầy của Phêrô, và rửa tay trốn tránh trách nhiệm của Philatô. Những sỉ nhục và đau khổ mà Chúa Giêsu gánh chịu vì tội lỗi nhân loại, thì cũng là do chúng ta gây ra. Những cử chỉ huynh đệ tình nghĩa của chúng ta cũng là sự tiếp nối nghĩa cử của Simêon thành Cyrene đã vác đỡ thánh giá Chúa Giêsu trên đường Khổ Nạn. Nếu bữa tiệc ly biệt với các môn đệ, là thánh lễ đầu tiên, trong đó lễ hy sinh trong đau khổ và Máu Thánh Chúa Giêsu đổ ra cho nhiều người được ơn tha thứ, thì ngày nay, trong mỗi thánh lễ, cũng chính Chúa Giêsu chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại luôn luôn hiện diện cho cộng đoàn các tín hữu, và cho mỗi cuộc đời chúng ta.
Như thế, cuộc khổ nạn, đối với chúng ta, là một bảng kê danh sách xét mình. Xét mình trước mặt Chúa, nhận ra sự yếu đuối, khuyết điểm của chính mình; nhưng, chúng ta cũng nhận ra lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa dành riêng cho chúng ta. Tuy nhiên, để có thể phục sinh với Chúa Giêsu, thì không có con đường nào khác với con đường Chúa đã đi qua. Cuộc khổ nạn là con đường duy nhất dẫn tới ơn cứu độ muôn đời. Đồng nhất với Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra tất cả những đau khổ, vất vả và mệt nhọc trong cuộc sống dành cho Tin Mừng Phúc Am, là cơ hội kết hợp với Đấng đã trở nên sự sống của chúng ta. Cùng với ngài, chúng ta loan báo cho anh em chung quanh tình yêu, lòng thương xót Chúa, loan báo cho mọi người biết rằng: chúng ta đã được ngài cứu thoát nhờ cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh vinh quang của ngài.
Ai tin tưởng và bước theo ngài, sẽ được hưởng ơn cứu độ muôn đời.