Thứ Năm, 11 Tháng Hai, 2021 00:00
Chúa nhật VI Quanh năm B ( Mc 1, 40-45 ) năm 2021

Vào thời Chúa Giêsu, tình cảnh của người phong cùi thật là thê thảm. Người bị vướng vào bệnh này hoàn toàn bị loại trừ ra khỏi xã hội. Thực sự là không có bất kỳ một chỗ nào cho họ, không có bất kỳ một thời điểm nào cho họ. Họ phải sống ngoài thành phố và làng mạc, phải mặc những bộ y phục để thoạt nhìn là có thể nhận ra tình trạng của họ. Người ta còn đòi họ phải để đầu tóc bù xu, và phải che khuất nửa khuôn mặt của mình. Nếu một người phong cùi nhìn thấy một ai đó, thì chính họ phải báo cho biết sự hiện diện của mình bằng cách la lớn tiếng: “ ô uế ! ô uế !”.

Không còn sự loại trừ nào hơn thế nữa, thật là khó mà hình dung ra. Mà, Chúa Giêsu làm gì đối với người này đã dám đến gần ngài. Lẽ ra ngài đã xua đuổi anh ta, nhưng ngài đã đón tiếp anh. Sứ mạng của ngài là đón tiếp, chứ không phải loại trừ. Sứ mạng của ngài là tinh luyện, chữa lành, làm nổ tung những cấm kỵ đã ngăn cản không cho con người sống. Toàn bộ Phúc Âm làm chứng cho cái định hướng này, nói lên lý do của việc ngài hiện diện trên trần gian. Ngài lui tới với những người thu thuế và tội lỗi. Ngài chuyện vãn với người phụ nữ Samaritana, xin bà ta giúp ngài một việc nhỏ. Ngài đứng ra bảo vệ người phụ nữ ngoại tình, tuyên bố rằng bà đã được tha thứ…

Chúa Giêsu mong muốn rằng, người phong cuì được tái hội nhập với những người thân yêu một cách trọn vẹn và công khai. Chính vì thế, ngài bảo anh ta đến trình diện với thầy tư tế, là người có trách nhiệm xác nhận việc khỏi bệnh ; và từ đó, chính thức công nhận cho người bệnh hội nhập với gia đình anh ta và những đồng bào của anh ta.

Điều mà Chúa Giêsu đã làm, Giáo Hội phải tiếp tục thực hiện. Sứ mạng của Giáo Hội không phải là loại trừ, mà là dẫn vào, là tái hội nhập vào trong lòng Giáo hội, đưa về với Thiên Chúa, tất cả những ai, cho dù với bất cứ lý do gì, vẫn còn sống cách biệt. Cần phải một danh sách rất dài liệt kê ra tất cả những người mà các xã hội chúng ta loại trừ, hay muốn loại trừ, hay gạt ra ngoài lề xã hội: những người tội lỗi công khai, người bị nhiễm sida, sống lang thang, những người mới ra tù, những tội phạm thiếu niên, những người nghiện xì ke ma túy, thất nghiệp, tàn tật… và còn nhiều nữa.

Thử hỏi Giáo Hội có biết đón tiếp những người này không ?- Giáo Hội đã thực hiện điều đó thế nào ?- Một cách quảng đại hay là với một sự dè sẻn ?- Giáo Hội có phải là mái nhà gia đình luôn mở rộng cửa cho tất cả hay không ?- Cụ thể hơn trong giáo xứ chúng ta, những thành phần như: ly dị tái hôn, khô khan nguội lạnh, tàn tật … Chính xác hơn, mỗi người chúng ta có niềm nở, ân cần không ?- Chúng ta có sẵn sàng đón tiếp một cách vô điều kiện bất kỳ ai không ?- Chúng ta hãy dành một chút thời giờ suy nghĩ về điều đó trước khi trả lời.

Khi đón tiếp người phong cùi như ngài đã làm, Chúa Giêsu đã trao ban cho đồng bào của ngài một dấu chỉ là, thời đại cánh chung đã đến. Việc còn lại là chúng ta phải hành động để cho những người chung quanh có thể nói rằng, trước mắt họ, họ đã nhìn thấy những dấu chỉ của lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa ?-

Sau khi đã chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu yêu cầu anh ta không được nói một lời nào về việc chữa lành này. Điều căn dặn này, dĩ nhiên là gây ngạc nhiên, được  giải thích là Chúa Giêsu không muốn lôi cuốn sự chú ý về ngài quá sớm. Nguy hiểm sẽ rất lớn là, khi nhìn thấy ngài thực hiện nhiều phép lạ giống như phép lạ mà ngài vừa thực hiện, người ta sẽ hiểu không đúng: ngài là loại Đấng Cứu Thế nào. Chỉ sau cái chết và sự phục sinh của ngài mà người ta sẽ có thể hiểu một cách đúng đắn ngài là Đầy Tớ của Thiên Chúa được các tiên tri báo trước: người đầy tớ bị nhạo báng và đau khổ, đã trao ban mạng sống mình để đem lại ơn cứu độ cho nhiều người. Vì thế, thật là vô ích khi công bố công khai điều chưa có thể được hiểu đúng đắn, chính xác. Người ta sẽ làm sai nhiều hơn là đúng.

Người phong cùi không hiểu hết tất cả những sự tinh tế này. Anh ta để cho con tim mình nói ra. Chúa Giêsu không trách cứ anh ta. Và người phong cùi đã vi phạm điều dặn dò mà Chúa Giêsu vừa yêu cầu, tại sao anh ta lại không là một mẫu gương phải bắt chước ?- Như anh ta, chúng ta đừng bao giờ ngừng công bố lớn tiếng, trong suốt cả cuộc đời chúng ta rằng, thời gian cứu độ đã đến, và tất cả mọi người đều được kêu gọi được hưởng ơn cứu độ đó, những người bị loại trừ được hưởng trước hết.

Bằng cách nào ?- Xin thưa, bằng cách nhìn xem chúng ta đón tiếp thế nào đối với những người chung quanh chúng ta, mà chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “ Anh em lấy tôi làm gương mẫu, và gương mẫu của tôi, chính là Đức Kitô”

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com