Thứ Sáu, 09 Tháng Giêng, 2015 00:00
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa B ( Mc 1, 6b-11 )

Mặc dù là Đấng Thánh, không tì ố, Chúa Giêsu vẫn đến sông Giodan, chịu phép rửa thống hối của Gioan. Biến cố này cho thấy, ngoài việc ngài muốn liên đới với con người tội lỗi, còn gợi lên những ý nghĩa quan trọng sau đây:

Trước hết, đó là cơ hội để cho biết, con người Giêsu Nagiarét khác với các người công dân Do thái khác. Thánh Thần ngự xuống trên ngài dưới hình “ chim bồ câu”, và Chúa Cha cất tiếng xác nhận: Con là Con yêu dấu của Cha. Con đẹp lòng Cha”. Như thế, đây là nơi và là lúc cái căn tính thần thiêng đích thực của người con bác thợ mộc”, được bày tỏ ra, xác định đích thực một cách gần như là “ bí tích”, bằng một dấu chỉ và một lời nói.

Đồng thời, biến cố này cũng tỏ cho biết “ Gia Đình Thiên Chúa”. Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng hiện diện nơi Chúa Con, trong một sự kết hợp bản thể và tình yêu, cho việc khai mào thời gian cứu độ bằng việc loan báo Phúc Am. Cho đến lúc bấy giờ, người con của ông Giuse và bà Maria tại Nagiarét đã sống trong âm thầm, giống như những người đồng hương khác. Bước ra khỏi dòng sông Giodan, một cuộc sống mới bắt đầu. Từ nay trở đi, ngài rảo qua khắp đất nước để rao giảng cho mọi người về Thiên Chúa là Cha, về Tin Mừng cứu độ hồng phúc loài người đang mong đợi.

Hơn nữa, với nghi thức phép rửa thống hối này, Chúa Giêsu muốn thực hiện trước một cách biểu tượng cuộc Vượt Qua của ngài. Qua việc dìm mình trong nước, dấu chỉ biểu tượng của sự chết, cuộc Khổ Nạn của ngài đã được loan báo trước, mà ngài sẽ gọi là phép rửa mà Ta sẽ chịu ( Mc 10,38 ). Con đường tiến đến sự Phục Sinh vinh quang, giai đoạn đi về với Chúa Cha, bắt đầu một cách long trọng ở bờ sông Giodan.

Ngoài ra, vào lúc chịu phép rửa thống hối, Chúa Giêsu được đầy tràn Chúa Thánh Thần. Dĩ nhiên, ngài đã có Chúa Thánh Thần từ trước. Thế nhưng ở đây, ngài lại được lãnh nhận một cách đặc biệt cho giai đoạn mới trong cuộc đời của ngài. Chính trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần mà ngài loan báo Tin Mừng. Chính trong quyền năng của Chúa Thánh Thần mà ngài thực hiện những dấu chỉ cho biết Nước Thiên Chúa đã bắt đầu ở trần gian. Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống trên ngài như chim bồ câu khiến chúng ta liên tưởng đến việc “ Thánh Thần bay là là trên mặt nước” vào lúc khởi đầu của thế giới ( St 1,2 ); nó cũng nhắc nhớ đến dấu chỉ sự sống được trao ban cho ông Noê sau cơn lụt đại hồng thủy  ( St 8,11 ). Như thế, phép rửa của Đức Kitô là khúc nhạc khởi đầu của một sự sáng tạo mới, nhờ việc rao giảng Phúc Am.

Tất cả những ý nghĩa trên đây đối với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa thống hối ở sông Giodan cũng có những giá trị tương tự với bí tích rửa tội mà chúng ta lãnh nhận nhân danh Thiên Chúa Ba ngôi.

Đối với chúng ta, phép rửa tội cũng là một sự “ tấn phong”, chứng nhận. Khi thừa tác viên của Giáo Hội đổ nước trên đầu chúng ta, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta chính thức được nhìn nhận và được gọi là con cái Thiên Chúa. Đó không phải là một tước hiệu danh dự, giả tạo, hay một kiểu chơi chữ, mà là một thực tế, như lời thánh Gioan đã nói: “ Anh em hãy xem, Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào. Ngài yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”  ( 1Gn 3,1 ).

Thứ đến, ngày chịu phép rửa thống hối, Chúa Giêsu khởi đầu sứ mạng công khai của ngài: rao giảng Tin Mừng tình yêu và thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại. Cũng vậy, ơn gọi của người lãnh nhận bí tích rửa tội cũng hàm chứa sứ mạng cao quý, là làm chứng Đức Kitô và sứ điệp Tin Mừng của ngài trong suốt cuộc đời của mình. Sứ mạng này không phải chỉ dành riêng cho một số người ưu tuyển. Tuỳ hoàn cảnh, khả năng và môi trường, tất cả mọi tín hữu đều được mời gọi chuyển thông cho anh em chung quanh, điều mà chính mình đã nhận được và đã được biến đổi.

Sau cùng là vai trò của Chúa Thánh Thần. Tất cả những người đã được rửa tội đều được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như là nguồn sống và sức mạnh giúp phát triển đức tin, và nâng đỡ trong việc thực hiện sứ mạng được trao ban. Tất cả sự năng động được tỏ ra nơi Chúa Giêsu ngày xưa, bây giờ Chúa Thánh Thần triển khai nơi các tín hữu. Sự năng động này cho phép chúng ta tiếp nối và làm triển nở những gì Chúa Giêsu đã khai mào. Bởi vì Nước Trời đang lớn lên và lan rộng khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, đây là dịp rất tốt để ý thức lại, nhờ bí tích rửa tội, chúng ta trở nên thành viên trong gia đình Thiên Chúa, trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Đồng thời, mỗi người có sứ mạng bày tỏ cho những người chung quanh đức tin, tình yêu và niềm hy vọng nơi chính mình, bằng chính cuộc sống đời thường mỗi ngày. Và, mỗi người hãy sẵn lòng cộng tác với Chúa Thánh Thần để trở thành những kitô hữu trưởng thành, có trách nhiệm và có hiệu quả trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com