Thứ Năm, 04 Tháng Ba, 2021 00:00
Chúa nhật III Mùa Chay B ( Ga 2, 13-25 ) năm 2021

Biến cố Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ muốn nhắn gởi chúng ta những sứ điệp quan trọng sau đây:

Trước hết, danh từ “ Đền Thờ” nhắc đến ở đây không phải khu vực thánh của ngôi đền, nơi dâng những lễ vật hiến tế, cũng không phải là cung thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân ngài. Những người đổi tiền ở đó cũng là cần thiết; bởi vì đồng tiền chính thức mang hình và ký hiệu của hoàng đế Roma không được dùng trong việc phượng tự; và vì thế, để có thể sử dụng trong các nghi thức phụng vụ, buộc phải đổi sang loại đồng tiền của Đền Thờ, không ô uế, nhơ bẩn. Còn những người buôn bán chiên, bò, chim bồ câu. chim gáy… ở đó, để bán những vật cần cho việc hy tế, cho lễ vật toàn thiêu. Tuy nhiên, tất cả những thứ trần tục này lại ở trong khuôn viên Đền Thờ, là nơi dành riêng để làm việc thờ phượng Thiên Chúa.

Thứ đến, cử chỉ biểu tượng của Đức Kitô khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ muốn nhấn mạnh sự sai lạc là, người ta mua bán các thú vật, đổi chác tiền bạc..ngay trong nơi cầu nguyện, ngay trong nơi thánh thiêng. Rõ ràng, ở đây, có một sự liên minh trục lợi trần tục của giới tăng lữ tôn giáo và giới thương mại, kinh doanh.

Sâu xa hơn, đó là việc thờ phượng của đền thờ đã trở thành thương mại hóa. Trải qua thời gian, điều đó dẫn đưa đến cái quan niệm lệch lạc về việc thờ phương Thiên Chúa: người ta phải dâng cho Thiên Chúa một cái gì đó ( chiên, bò, chim chóc … ) và, Thiên Chúa phải trao ban lại một cái gì đó ( lòng nhân từ, ân sủng… ). Đó là một thứ tôn giáo trục lợi, có đi có lại. Theo kiểu chợ búa trần gian.

Thực ra, trong Giáo Hội, đã có một thứ não trạng cho rằng, cần phải có những công trạng ( nếu người ta có công trạng gì đó ), thì Thiên Chúa mới trao ban một điều gì đó tốt đẹp, một cách tương xứng. Từ đó, tạo nên cái quan niệm sai lạc này là, người ta có thể“ tạo nên ơn cứu độ của chính mình”, người ta tạo nên cái ảo tưởng là: Thiên Chúa chỉ yêu thương chúng ta, nếu chúng ta tuân giữ hoàn toàn Lề Luật của ngài. Tất cả những điều đó vẫn còn ám ảnh trong cái khuynh hướng của tôn giáo theo kiểu con buôn, thương mại, mặc cả, có đi có lại.

Đức Kitô đã đến để bày tỏ cho biết, Thiên Chúa trao ban, và tự hiến một cách nhưng không. Chúng ta phải vượt qua thứ tôn giáo thương mại để đến với thứ tôn giáo của tình yêu, phục vụ và hy sinh, để đón nhận ơn cứu độ của Chúa.

Một sự thay đổi cái nhìn như thế làm người ta không an tâm. Không có sự an tâm nào khác hơn tình yêu mà người ta dành cho Thiên Chúa. Mà, điều đó thì không trông thấy, chúng ta chỉ có thể tin mà thôi. Chính vì thế mà những người chứng kiến thái độ thanh tẩy đền thờ mợt cách triệt để của Chúa Giêsu đòi phải “ thấy mới tin”: người ta không thể thay đổi cách sống tôn giáo cố hữu mà không có những bằng chứng về khả năng và quyền hạn của mình. Họ đòi hỏi:“ Ông hãy tỏ cho chúng tôi thây dấu gì là ông có quyền làm như vậy ?-“

 Chúa Giêsu trả lời một cách gây ngạc nhiên, bằng một ẩn ngữ: “ Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại”.

Xua đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, ngài đã lật đổ việc thờ phượng của Đền Thờ cũ xưa. Những người đối thoại của ngài sẽ đáp lại bằng việc triệt hạ Đền Thờ Mới của việc thờ phượng mới, tức là thân xác của Chúa Giêsu. Người ta có thể bị ngạc nhiên bởi việc đồng hoá thân xác của ngài với Đền Thờ. Thực vậy từ nay, Chúa Giêsu đảm nhận nơi thân xác của ngài tất cả những phận vụ của Đền Thờ cũ: ngài là nơi hiện diện của Thiên Chúa; nơi ngài, Thiên Chúa gặp gỡ con người, con người gặp gỡ Thiên Chúa, và con người gặp gỡ nhau.

Về sau này, chính thân xác của các tín hữu, cá nhân hay tập thể, cũng sẽ được gọi là đền thờ Thiên Chúa.

Đối với người tín hữu, đây còn là dấu chỉ của sự Vượt Qua. Chúa Giêsu trao ban một dấu chỉ; thế nhưng, dấu chỉ này chỉ nói với các tín hữu mà thôi. Đó không phải là một bằng chứng, nhưng đúng hơn là một thử thách: thân xác của Đức Kitô, nơi ngự của Thiên Chúa “ sẽ bị triệt hạ. Ngài sẽ bị giết chết. Ba ngày để xây dựng lại. Thế nhưng, điều đó sẽ không xuất hiện trước mắt mọi người. Thập giá thì công khai, còn sự phục sinh thì kín đáo.

Thật ra, Đền Thờ Mới được xây dựng lại trong tính cách vô hình của Thiên Chúa. Tất cả những gì mà chúng ta phải loan báo, chính là “ một Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh”. Thế nhưng, Đức Kitô chịu đóng đinh nói với toàn thể nhân loại rằng, Ơn Cứu Độ chỉ được thực hiện, và chỉ được đón nhận bằng tình yêu, sự phục vụ và hy sinh. Thiên Chúa đã đến trên cây thập giá để làm cho chúng ta hiểu rõ điều đó.

Và thực vậy, kinh nghiệm cho thấy, về lâu về dài, mầu nhiệm này có khả năng biến đổi, và canh tân lại thế giới. Một cách hoàn toàn, trọn vẹn. Cho những ai tin tưởng, cậy trông và phó thác nơi ngài.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com