Hằng ngày, qua các phương tiện truyền thông, như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, các trang mạng xã hội… chúng ta được biết rất nhiều những sự cố, những tai nạn, chến tranh, mất mùa, giặc giã, bệnh nạn, những bất hạnh… xảy ra khắp nơi trên thế giới.
Vấn đề đặt ra là: những thảm cảnh xảy ra trên đây là do lỗi của ai ?-
Thật vậy, khi đám đông đến kể cho Chúa Giêsu việc những người Galilêa bị Philatô tàn sát, chúng ta hiểu rằng, điều không nói ra, chính là câu hỏi: Họ đã làm gì xấu để Thiên Chúa gây ra, hay cho phép cuộc thảm sát như thế ?- Cũng vậy, đối với cái tháp Silôê sụp đổ và đè chết mười tám người. Những người này đã phạm tội gi để phải gánh chịu hình phạt nặng nề là cái chết ?-
Trả lời cho những người đang nghe, Chúa Giêsu phủ nhận việc Thiên Chúa Cha là nguyên cớ gây ra. Ngài nói: “ những người này không tội lỗi hơn các ngươi”. Hiểu ngầm là, nếu đó là một hình phạt do Thiên Chúa, thì các ngươi cũng vậy, các ngươi cũng sẽ chịu chung một số phận.
Nhưng đồng thời, ngài gởi trả lại vấn đề cho chính họ: “ Nếu các người không ăn năn thống hối, các ngươi cũng sẽ phải chết.” Nên nhớ là, Chúa Giêsu nói, các ngươi sẽ chết, chứ không nói, Thiên Chúa sẽ trừng phạt các ngươi.
Điều đó có nghĩa là, số phận của con người, của mỗi người chúng ta, đều tùy thuộc vào chính mình, vào chính chúng ta. Chính hành vi của chúng ta, cá nhân hay tập thể, gây ra điều này điều nọ. Chúng ta có trách nhiệm trên cuộc đời của chúng ta.
Rất là dễ để kể ra, hay gợi ra những thái độ tập thể hay cá nhân dẫn đưa đến những thảm cảnh đó. Chính vì thế mà Chúa Giêsu kêu gọi: hãy ăn năn thống hối, hãy thay đổi cách sống, hãy làm mới cách hiện diện của mình trong cuộc đời. Mỗi người phải ý thức về điều mình cần phải chỉnh sửa, cần phải thay đổi, để có thể đón nhận lòng thương xót và ơn tha thứ của Chúa.
Ngoài ra, Thiên Chúa sai chúng ta ra đi giải thoát thế giới. Bởi vì Thiên Chúa biết chúng ta có khả năng làm hay hơn, trở nên tốt hơn. Thiên Chúa biết chúng ta có khả năng xây dựng tương lai của chúng ta. Đó chính là sứ điệp chính yếu và tích cực của Lời Chúa hôm nay.
Lời kêu gọi của Môisen chỉ cho thấy, Thiên Chúa đối lập với những não trạng đương thời tố cáo Thiên Chúa là căn nguyên gây ra những bất hạnh, những tai họa. Thực ra, có lời chép rằng, Thiên Chúa đã nhìn thấy những đau khổ của dân ngài, chứ không nói:“ Thật đáng tội.. Chúng xứng đáng như thế”. Nhưng trái lại, ngài nói với Môisen: “ Ta muốn giải thoát dân Ta.. Ta trông cậy nơi ngươi… Hãy đi, Ta sẽ ở cùng ngươi”.
Rõ ràng là Thiên Chúa muốn giải thoát con người ra khỏi sự bất hạnh. Và Thiên Chúa xem con người như một đối tác tin cậy khi mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho con đường dẫn đưa đến với Thiên Chúa Tình Thương.
Chúng ta hãy tự vấn về ba câu hỏi sau đây:
Chúng ta có khả năng nhìn thấy điều gì trong chúng ta không tốt đẹp, hay chưa tốt đẹp, để chúng ta có thể nỗ lực chỉnh sửa, thay đổi, để trở nên tốt hơn không ?-
Chúng ta có tin rằng, tất cả mọi người đều có thể trở nên tốt hơn, cho dù là cần đến thời gian, như Phúc Âm nhắc lại về cây vả trong vườn nho không ?-
Chúng ta có quan tâm đủ để nhận rõ những lời kêu gọi mà Thiên Chúa nói với chúng ta, mời gọi chúng ta góp phần cộng tác, để làm thay đổi thế giới, và đẩy lùi những bất hạnh vô ích, vì ngài tín nhiệm nơi chúng ta hay không ?