Thứ Ba, 18 Tháng Hai, 2025
Chúa nhật VII Quanh năm C ( Lc 6, 27-38 ) năm 2025

“ Hãy yêu mến kẻ thù ngươi. Hãy làm lành cho những kẻ ghét ngươi”. Nếu chúng ta không có kẻ thù, thì thử hỏi có nên kết luận rằng, những lời này của Chúa Giêsu có rất ít ich lợi cho chúng ta hay không ?- Chắc chắn là không. Thế nhưng, kẻ thù đích thực sự của chúng ta là ai ?-

Chúng ta cần lưu ý mấy điểm sau đây :

Trước hết, kẻ thù ở trong chúng ta. Chúng ta tự hỏi phải chăng kẻ thù ờ trong chúng ta ?- Thánh Phaolô nói rằng, chúng ta được nhào nặn bằng đất như Adam, và trong môi miệng của ông, thì điều đó không phải là một lời khen. Ong cũng nói: “ Tôi không làm sự thiện mà tôi muốn, và tôi làm sự dữ mà tôi không muốn”. Và còn nữa: “ Khốn cho con người tôi. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi sự dữ đang ở trong tôi ?-“.

Như vậy, chúng ta được mời gọi xét lại chính mình. Có thể chúng ta không có kẻ thù công khai, thế nhưng có thể chúng ta cũng còn giữ trong một vài ngóc ngách của con tim những phán đoán ít nhiều khinh bỉ người khác, những sự khắc nghiệt ít ý thức, những thiên kiến và thành kiến không chính đáng ?- Thế mà Chúa Giêsu đã nói: “ Đừng xét đoán và các ngươi sẽ không bị xét đoán”. Thật là khó mà không phán đoán. Như vậy, kẻ thù ở trong chúng ta khi chúng ta trở thành quan tòa tàn nhẫn đối với người khác.

Thứ đến, Chúa Giêsu trước các kẻ thù. Chúa Giêsu vẫn là mẫu gương cho chúng ta. Ngài đã phải đương đầu với những kẻ thù kinh khủng, những con người bất công, cùng phe với nhau và hùa theo nhau chỉ trích ngài, sẵn sàng kéo ngài ra tòa án một cách bất công. Đôi khi ngài đã trả lời họ một cách không êm dịu chút nào, và nhiều khi còn dữ dội nữa. Tuy nhiên thử hỏi người ta có thể nói rằng, ngài không yêu thương kẻ thù được không ?-

Bởi vì ngài đã tỏ ra ngài yêu thương họ như thế nào khi trao ban chính mạng sống ngài cũng cho họ nữa. Một trong những lời nói sau cùng của ngài trên thập giá là: “ Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Như thế, Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của ngài đi đến đâu. Chúng ta không thể quên ngài, khi mỗi ngày chúng ta đọc, đôi khi bằng một cách máy móc: “ Xin hãy tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa để xin ơn tha thứ cho những lý hình của ngài nằm ở trung tâm Tin Mừng của ngài.

Như thế, yêu thương kẻ thù nằm ở đâu trong thế giới chúng ta, hai mươi thế kỷ sau cái chết của Chúa Giêsu, khi chúng ta chìm ngập trong một xã hội chứa đựng những tội lỗi trực tiếp đối lập với những giá trị mà chúng ta quá ngây thơ tin tưởng là nền tảng chung của tất cả nhân loại. Mỗi một ngày, thời sự của báo chí và truyền hình đem đến cho chúng ta thời lượng những cãi cọ, tranh chấp, bạo lực và giết chóc. Cuộc chiến tranh không ngừng nghỉ giữa các dân tộc trong một số miền trên thế giới. Sự hận thù được đề cao như là một danh hiệu vinh quang. Và điều đáng buồn hơn cả là khi biết rằng, ngay cả giữa những người cùng tuyên xưng mình thuộc về Thiên Chúa cũng có không những những nạn nhân, mà cũng có cả những lý hình nữa…

Người ta có thể nhẫn nhục chịu đựng sự hận thù không ?- Một số kitô hữu có những ảo tưởng quá đơn giản khi nhắc đi nhắc lại: “ Chỉ việc yêu mến thôi”. Vâng, chắc chắn như thế; tuy nhiên đó chính là điều can hệ. Tôi có thể muốn yêu mến một kẻ thù, nhưng anh ta lại bất cần, chế nhạo tôi và đáp trả cho những bước trước của tôi bằng bom hay súng liên thanh. Và những xung đột lớn không tự giới hạn nơi một vài người, chúng tác động đến các cộng đoàn và các dân tộc… Như thế một cách nghiêm túc, chúng ta có thể làm gì để, bên kia những cái vòng bình yên của chúng ta, chúng ta có thể cộng tác ngăn chặn sự hận thù đang ồ ạt tấn công trên thế giới ?- Chúng ta có thể nhẫn nhục chịu đựng sự hận thù đang khi tiếp tục loan báo tình yêu hay không ?-

Không có câu trả lời được làm sẵn, cũng không có công thức thần diệu, cho cả người công giáo, và người không công giáo. Thế nhưng, có nhiều nỗ lực hòa bình rộng lớn cần được nâng đỡ và tiếp tục theo dòng đời và của thế kỷ. Trong Giáo hội và ngoài Giáo hội, đã có rất nhiều người thiện chí được tổ chức để đấu tranh chống laị bạo lực và hận thù, trong các thể chế quốc tế cũng như trong những nhóm nho nhỏ trong khu xóm hay trong các giáo xứ. Đó chính là một bổn phận phải liên kết với họ, hay nâng đỡ họ, không chỉ với một sự quảng đại, những với một sự trong sáng, quan tâm đến sự thật và tôn trọng người khác. Trước khi đi đến chỗ: “ Chúng ta hãy yêu thương nhau”, cần phải học nói rằng: “Chúng ta hãy lắng nghe nhau và tôn trọng lẫn nhau”.

Như một kết luận, thánh Luca đã nói một đòi hỏi của Chúa Giêsu: “ Các con hãy biết thương xót như Thiên Chúa là Cha các con là Đấng thương xót”. Nếu Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta hãy trở nên như Thiên Chúa, thì ngài cũng trao cho chúng ta những phương tiện. Hãy giao hòa, tha thứ, yêu thương một cách dịu dàng và thương cảm, khao khát trở nên trọn lành bằng cách yêu thương, như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, đó chính là một ơn huệ được hy vọng, một ơn lành của Thiên Chúa phải cầu xin một cách khiêm tốn và đón nhận trong đức tin.

Bởi vì như thánh Gioan đã nói: Còn chúng tôi, chúng tôi đã tin vào tình yêu”

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com