Thứ Năm, 12 Tháng Mười Hai, 2024 00:00
Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm C ( Lc 3, 10-18 ) năm 2024

Chúng ta đang ở trong Mùa Vọng. Chúng ta đang chờ đợi. Dĩ nhiên là trong cuộc sống đời thường, chúng ta không thích chờ đợi. Chỉ những người nghèo túng, hay những người không biết làm gì cả mới chờ đợi. Và trong xã hội duy vật chất chỉ quan tâm đến sản phẩm sản xuất của chúng ta, thì chờ đợi là làm mất thì giờ, là vô ích. Tuy nhiên, dù chúng ta có muốn hay không, thì những việc tốt đẹp nhất, những điều quan trọng nhất, những điều mà chúng ta cần để sống thực sự đều là những điều phải chờ đợi. Bởi vì đó là những ơn huệ được trao ban, chứ không được làm nên do công sức của chúng ta. Chẳng hạn như tình yêu và tình bạn, tình huynh đệ.

Chúng ta thường nghe nói là, tình yêu hệ tại ở việc cho đi và tự hiến. Điều đó rất đúng. Thế nhưng, trước khi là một quà tặng, tình yêu trước tiên phải là một sự cầu xin. Đó là sự khao khát người khác, là mong muốn người khác, là một lời cầu xin khiêm nhường trao gởi đến người khác. Đối với người khác, chúng ta chỉ là những người hành khất tình yêu khiêm hạ. Chúng ta chờ đợi họ quan tâm đến chúng ta, chờ đợi họ tự trao hiến một cách tự do cho chúng ta.

Giữa Thiên Chúa và chúng ta cũng vậy. Kinh Thánh vẫn thường nhắc nhở, nhất là trong Mùa Vọng, chúng ta là những người hành khất tình yêu. Chúng ta chờ đợi Thiên Chúa tự hiến cho chúng ta. Cũng như Thiên Chúa cũng chờ đợi chúng ta như vậy... Thiên Chúa đang đến. Ngài không ngừng đến với chúng ta, như chúng ta không ngừng đi đến với nhau.

Kinh nghiệm cho thấy, chờ đợi người khác, cũng là liều mình chấp nhận chịu đau khổ, nhất là khi người khác không đáp ứng lại. Bấy giờ chúng ta có thể làm tiêu tan lòng khao khát chờ đón. Còn không chờ đợi gì nơi người khác nữa, thì một cách nào đó, là một sự tự sát thiêng liêng, là tự giam mình trong một thế giới hỏa ngục nhỏ bé của mình.

Cũng nên nhớ là, một sự chờ đợi thực sự đúng nghĩa không bao giờ là thụ động. Chúng ta không chờ đợi Thiên Chúa giống như là chờ xe khách, đón xe đò. Tất cả sự chờ đợi thực sự phải là năng động, tích cực. Giống như một thiếu nữ đang khi đón chờ người yêu đến, thì luôn luôn biết trang điểm, làm đẹp chính mình. Cũng vậy, sự khao khát Thiên Chúa thực sự phải được kiểm chứng bằng phong cách sống của chúng ta.

Như thế, chúng ta phải làm gì đang khi chờ đón Chúa, để đón mừng Chúa ?- Đó cũng là câu hỏi mà đám đông đã đặt ra với Gioan Tẩy Giả ngày xưa bên bờ sông Giodan. Câu trả lời của ông rất rõ ràng. Mới nghe qua thì không có gì độc đáo. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý là, ông không đòi bất cứ người nào phải từ bỏ, xa tránh địa vị mình đang có. Ong không đòi những kẻ “ xâm lược ” phải trở về Roma. Ong không đòi hỏi những người thu thuế đừng tiếp tục thu thuế nữa. Ong không yêu cầu dân chúng phải theo ông vào sống trong hoang địa.. Nhưng ông chỉ đơn thuần mời gọi mọi người hãy sống công bình, hãy tôn trọng lẫn nhau, hãy chia sẻ cho những người không có gì cả, và cứ tiếp tục như thế. Bởi vì, khi chúng ta chia sẻ những gì chúng ta có ra làm đôi, thì luôn luôn vẫn còn phân nửa của một nửa còn lại cần phải chia sẻ cho người khác...

Chúng ta chờ đợi Chúa đến, hay ít nhất chúng ta mong muốn điều đó. Sự chờ đợi nầy cần phải được kiểm chứng trong cách sống của chúng ta ?- Nói cách khác, chúng ta có tôn trọng lẫn nhau không ?- Chúng ta sống công bình thế nào ?- Chúng ta đã chia sẻ cho những người túng thiếu, bất hạnh chung quanh như thế nào, trong mức độ nào ?- Nhìn vào cách sống của chúng ta, qua các việc làm, hành động, thái độ của chúng ta trong cuộc sống hằng ngày, trong gia đình, trong khu xóm, đối với họ đạo, tại địa phương mà người ta có thể biết được chúng ta có thực sự mong muốn, chờ đón Chúa đến hay không vậy.

GIÁO XỨ NÚI SẬP
Ấp Bắc Sơn, Thị Trấn Núi Sập, Huyện Thoại Sơn, Tỉnh An Giang.
ĐT: (02963) 869.239 - 866.787      DĐ: 0913.708.201
Email: ntkag53@gmail.com      Website: giaoxunuisap.com