Chúng ta có thể đặt lại câu chuyện: hai anh em có một người cha…
Đứa nhỏ hơn bỏ nhà ra đi, đóng sập của lại sau lưng, bởi vì nó quyết định sống đời sống riêng của nó. Sau cơn say men độc lập, thì đến thời gian của thực tế khó khăn. Cuộc sống, cuộc sống thật với sức nặng của những trách nhiệm và bổn phận bó buộc, với sức nặng của đau khổ.
Đau khổ là mảnh đất tốt nhất để cho sự khôn ngoan chín mùi. Người bạn trẻ này ý thức được lỗi lầm của mình. Anh ta nhận ra rõ ràng rằng, điều anh ta đã làm đổ vỡ; anh ta không thể nào sửa chữa. Vì thế, khi trở về nhà, anh ta rất khiêm nhường và sợ hãi. Đứng trước con người đang dang tay đón tiếp anh ta, anh ta xưng thú tội lỗi của mình. Và con người đó tha thứ, và lại trao ban cho kẻ đang ở trong vòng tay mình tên gọi là con cái.
Điều mà người con thứ đã sống, chúng ta cũng sống cái cảm nghiệm đó khi chúng ta lãnh nhận bí tích Hòa giải trong Giáo Hội. Bấy giờ Thiên Chúa cư xử như một người Cha nhân lành, đầy tình âu yếm và tình yêu thương, và trong lòng thương xót vô biên của ngài, ngài lại trao ban cho chúng ta địa vị làm con, bên cạnh ngài.
Còn người anh trai đi làm việc ở ngoài đồng về, biết được những gì đang xảy ra, liền nỗi giận. Khi người cha ra mời anh ta cùng vào chung vui với mọi người, anh ta đáp lại gay gắt: “ Con làm việc như một người làm công, con vâng theo các mệnh lệnh của cha và cha không có làm điều gì đặc biệt cho con. Nhưng cái thằng con của cha, cái thằng đã bỏ cha mà đi, cha lại mở tiệc ăn mừng để đón tiếp nó”.
Ở đây, có một người không xem mình là con, nhưng như một người làm công. Anh ta không có một người cha, mà là một ông chủ, một ông chủ hay đòi hỏi điều khiển. Phải chăng điều đó đôi khi cũng giống thái độ của chúng ta, khi chúng ta nghĩ rằng mình sống đúng luật lệ với Chúa, bởi vì chúng ta tuân giữ các giới răn hay không ?- Chúng ta không coi Thiên Chúa như Cha, mà là như một vị quan tòa, như một ông chủ mà mình phải vâng phục. Và, khi chúng ta biết có những người không cố gắng như chúng ta mà được tha thứ, thì điều đó làm chúng ta phẫn nộ, nổi giận.
Thế nhưng, người cha trả lời: “ Hỡi con, con luôn luôn ở với cha và cha không ngừng trao ban cho con tràn đầy những ơn phúc. Đối với con, đó là lễ hội vĩnh cửu. Tuy nhiên, em con đã mất và sau cùng chúng ta đã tìm thấy được. Thử hỏi đó không phải là điều bình thường để vui vẻ và ăn mừng, bởi vì chúng ta đã được xum họp lại hay sao chứ ?-“.
Thiên Chúa nhắc nhớ chúng ta địa vị làm con. Thật vậy, chúng ta là con cái Thiên Chúa do ơn sủng ngài trao ban, chứ trước tiên không phải bởi sự vâng phục hèn hạ cho bất cứ một thứ lề luật nào. Điều chúng ta thực hiện, chính là vì tình nghĩa tử, lòng hiếu thảo này. Và trong tình yêu phụ tử, Thiên Chúa ban cho chúng ta tràn trề những gì mà chúng ta cần. Thế nhưng, chúng ta không luôn luôn biết nhìn thấy những gì chúng ta có, những gì chúng ta lãnh nhận. Chúng ta quá quen với điều đó. Và khi ơn phúc của Chúa được tỏ hiện nơi người khác, chúng ta quên đi những gì chúng ta có, để ghen tỵ điều mà đứa con hoang đàng lãnh nhận và chúng ta loại trừ anh ta.
Và chúng ta cũng quên rằng, người con hoang đàng là anh em chúng ta. Nếu anh ta cần sự tha thứ của Cha để lại trở thành người con đầy đủ ý nghĩa, thì anh ta cũng cần sự tha thứ của chúng ta để lại trở nên anh em chúng ta. Chính sự tha thứ này mà Chúa mời gọi chúng ta hôm nay. Một sự tha thứ là hình ảnh của sự tha thứ ngài trao ban cho mỗi người. Để sự tha thứ trong Giáo Hội được thực hiện đầy đủ, Thiên Chúa muốn cần đến chúng ta. Ngài ủy thác cho chúng ta cái phần tha thứ của chúng ta phải trao ban, để trái đất có thể trở thành nơi hòa giải và thương xót.