Tách biệt rõ ràng dứt khoát sự thiện khỏi sự ác, người tốt khỏi người xấu, rồi giao tiếp với những người tốt, tránh lui tới với người gian ác. Đó là thái độ khôn ngoan và thận trọng trong dân gian từ ngàn xưa. Xã hội cố gắng tự bảo vệ khỏi kẻ gian ác bằng cách xây dựng các nhà tù, bởi vì “ gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Vì thế, có người rất ngạc nhiên khi nghe Đức Kitô đề ra một dụ ngôn mà sự thiện và sự ác, người tốt và người xấu được giới thiệu như là có thể và phải sống bên cạnh nhau. Với câu hỏi mà các người giúp việc đặt ra: “ Ngài có muốn chúng tôi nhổ sạch cỏ lùng không ?-“, ông chủ trả lời dứt khoát là « không ». Sự rủi ro sẽ quá lớn khi nhổ đi rất nhiều những cây lúa tốt chỉ mới bắt đầu mọc lên, cùng một lúc với cỏ lùng.
Câu trả lời này thật rõ ràng, bởi vì nó cho phép chúng ta ứng xử một cách tinh tế đối với sự thiện và sự ác, người tốt và kẻ xấu. Trong cuộc sống, tất cả không luôn luôn hoàn toàn hiển nhiên. Không có ai hoàn toàn tốt, cũng không có ai hoàn toàn xấu. Nếu một đôi khi có thể chỉ đích danh một ai đó mà nói rằng: “ người này là một người tốt”,“ người kia thì phải dè dặt ”, thì thực tế rõ ràng là, rất thường khi không thể làm điều đó. Vì vậy sẽ rất nguy hiểm, thậm chí sẽ có thể sẽ rất rủi ro khi dùng lưỡi hái quá nhanh. Tốt hơn nên để thời gian làm công việc của nó. Chúa Giêsu khuyên bảo, khi đến lúc cỏ lùng và những bó lúa chín mùi, người ta sẽ nhìn thấy sự việc rõ ràng, và sẽ còn đủ thời gian để tách xa những gì cần tách, mà không có nguy cơ làm hại hạt giống tốt. Trong khi chờ đợi, sự sống chung nhất thiết phải có.
Như thế, cái nhìn của Chúa Giêsu về cỏ lùng và hạt lúa tốt mạc khải về thái độ của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn. Ngài biết để cho các sự việc đi theo tiến trình của chúng. Ngài chấp nhận một thế giới không hoàn hảo. Không hoàn hảo bởi vì thuộc về nhân loại, thuộc về con người. Thiên Chúa không trói buộc sự vận hành tự nhiên của tự do. Là Đấng tạo dựng nên trái đất, Ngài biết rõ trái đất là nơi mà các thế lực đối nghịch đương đầu với nhau. Ngài hiểu biết con tim con người. Con người có con tim có khả năng bao dung, nhưng cũng rất nhỏ mọn; anh hùng, nhưng cũng nhu nhược, hèn yếu; hiền lành và yêu thương, nhưng cũng thích bạo lực và hận thù. Giống như trong một thửa ruộng, “ cỏ lùng và lúa tốt” có thể cùng mọc lên chung với nhau, ngay trong một con tim.
Tình trạng này không làm Thiên Chúa bối rối. Nó không làm ngài cáu giận, bực bội, hay phiền lòng, mất bình tĩnh. Nó không khích động nơi ngài cơn giận dữ và bạo lực, nhưng đúng hơn là sự thận trọng, nhân bản và lòng khoan dung.
Thái độ của Thiên Chúa phải làm mẫu mực cho thái độ chúng ta. Hãy sống và ứng xử một cách nhân bản. Nhân bản không có nghĩa là yếu đuối và mặc kệ, không can thiệp, mà là kiên nhẫn, khoan dung. Nhân bản không có nghĩa là ngây thơ hay dửng dưng trước sự ác và trước những người gây nên sự ác, mà là hiểu biết cuộc sống và, nhất là hiểu biết và thương cảm đối với những con người vừa được ghi dấu bởi ân sủng, vừa bị thương tổn bởi sự hung ác và tội lỗi.
Vì thế, hãy cảnh giác chống lại những cám dỗ cố chấp và không khoan nhượng của chúng ta. Trong các gia đình, trong tất cả các nhóm xã hội, trong những cộng đoàn kitô hữu, sự thiện và sự ác cùng nảy sinh chung với nhau. Dĩ nhiên, khi sự ác hiển nhiên và khi nó làm lây lan tất cả chung quanh, thì nhắm mắt làm ngơ là điều không thích hợp. Có những hoàn cảnh mà ở đó cái ác cần phải bị tố cáo, đấu tranh và tiêu diệt. Thế nhưng, rất thường khi, bởi vì tất cả thường là mù mờ, không rõ ràng, cho nên, sự kiên nhẫn thật là cần thiết. Sau khi đã nhìn thấy rõ ràng, sẽ còn đủ thời gian để cắt đứt và nhổ đi. Một cách dứt khoát.
Khôn ngoan và kiên nhẫn có giá trị hơn là quá vội vàng. Thiên Chúa hành động như thế. Chúng ta hãy noi gương ngài, để luôn được sống trong an bình, tình yêu và hạnh phúc đích thực của ngài.