Năm này qua năm khác, việc cử hành bí tích Mình và Máu Thánh Đức Kitô cho phép chúng ta lặp lại một vài chân lý quan trọng về bí Thánh Thể mà chúng ta cử hành trong mỗi thánh lễ. Mầu nhiệm này rất phong phú đến nỗi Giáo Hội giới thiệu nó như là nguồn mạch, trung tâm và tột đỉnh của đời sống kitô hữu.
Dưới ánh sáng của ba bài đọc Kinh Thánh vừa được công bố, hôm nay chúng ta hãy nhấn ba khía cạnh căn bản của Thánh Thể.
Bài trích sách Xuất hành thật sự gây ngạc nhiên. Thực ra nó giới thiệu Manna, hình bóng của Thánh Thể, không phải như một thứ cơm bánh làm no thỏa hoàn toàn, trong khi đem lại sự an ủi, niềm vui và sự êm dịu, nhưng như một thứ lương thực được trao ban với sự tiện tặn và đặt dân chúng trong sự thử thách. “ Chúa đã làm cho ngươi biết sự nghèo túng, ngài đã làm cho người thấy đói, và ngài đã cho ngươi ăn manna, ( thứ lương thực này cả ngươi, cả cha ông của ngươi chưa hề biết ), để ngươi làm cho ngươi khám phá ra rằng, con người không sống chỉ nguyên bằng cơm bánh, nhưng bằng tất cả những gì phát xuất từ miệng Thiên Chúa”.
Như thế, manna được trao ban với số lượng giới hạn: chỉ đủ để không phải chết đói. Nó không phải là một thứ lương thực cho phép được dự trữ trong nhiều ngày, mỗi buổi sáng, phải chỗi dậy và đi lượm nó. Nó là thứ lương thực của những người nhận ra rằng, mình cần đến Thiên Chúa để sống. Chính trong ý nghĩa này mà nó là một thứ cơm bánh thử thách, nó cho phép kiểm tra lại xem, một người đặt niềm trông cậy vào Thiên Chúa hay vào chính mình. Cũng như manna, Thánh Thể, mà chúng ta được nuôi sống trong mỗi thánh lễ, mời gọi đến sự phân tích tỉ mỉ, và nhận ra rằng, chính Thiên Chúa làm cho chúng ta sống, nơi ngài là nguồn gốc đời sống thể lý và thiêng liêng của chúng ta.
Bánh hiệp nhất. Trong thư gởi tín hữu Corinthô, thánh tông đồ Phaolô nhắc lại một giáo huấn chính yếu, tuy nhiên rất thường bị lãng quên. “ Bởi vì chỉ có một tấm bánh duy nhất, chúng ta tuy nhiều, nhưng cũng chỉ là một thân thể duy nhất, bởi vì tất cả chúng ta đều thông hiệp vào chỉ một tấm bánh”.
Thánh Thể hiện diện để đưa chúng ta lại gần gũi với nhau, để hiệp nhất chúng ta lại với nhau, để làm cho chúng ta trở thành chỉ một thân thể duy nhất: thân thể của Đức Kitô. Sự hiệp nhất này giữa chúng ta mà Thánh Thể không ngừng kêu gọi, được dựa trên việc rước lễ ( hiệp lễ ), hiệp thông với Đức Kitô. Chính ngài hiệp nhất chúng ta. Chính nhờ ngài và Thánh Thần của ngài mà chúng ta có thể trở nên một, và vẫn luôn là một. Chính sự sống của ngài, được trao ban cho chúng ta, làm nên sự hiệp nhất của chúng ta.
Sự hiệp nhất ở đây trước hết thuộc bình diện thiêng liêng; thế nhưng, nó không có thể hạn chế trong bình diện thiêng liêng. Nó cần phải được nhập thể, cụ thể hoá. Nói rằng, chúng ta được hiệp nhất “ trong Đức Kitô”, mà không bao giờ nhìn nhau, không bao giờ chào hỏi nhau, không bao giờ nói với nhau, và không bao giờ giúp đỡ lẫn nhau.. chính là một phản chứng… và một gương xấu. Thánh Thể đòi hỏi nhiều hơn một sự hiệp nhất mơ hồ thiêng liêng “ trong Đức Kitô”. Nó đòi hỏi những sự cô đơn phải bị bẻ gãy, và mỗi người phải nỗ lực đi đến gặp gỡ anh chị em mình. Nó không thừa nhận sự tự cao yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến đồng loại một cách cụ thể. Thực ra, người ta không ăn bánh Thánh Thể, khi mà người ta ăn uống nó mà lại tỏ ra thờ ơ với những người đồng bàn với chúng ta.
Bánh Ban Sự Sống đời đời. Phúc Âm thánh Gioan khẳng định với chúng ta rằng, đối với chúng ta, Thánh Thể là nguồn sự sống, sự sống đời đời, ngay từ bây giờ.
Các thánh giáo phụ, những người tín hữu vĩ đại những thế kỷ đầu, khẳng định chắc chắn rằng, Bánh Thánh Thể đặt vào trong chúng ta hạt giống của sự vĩnh cửu. Lời khẳng định này được hiểu là, nếu chúng ta tin rằng, chính là Đức Kitô phục sinh, Đấng chiến thắng sự chết và được đặt làm Chúa, trở thành lương thực cho chúng ta, thì qua trung gian của Bánh Thánh Thể, thân xác hay chết của chúng ta được liên kết với thân xác bất tử của Con Thiên Chúa.
Những từ ngữ của chúng ta thì quá chật hẹp để có thể diễn tả chiều sâu của mầu nhiệm Thánh Thể. Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta hãy đón nhận những lời khẳng định hoàn toàn đơn giản của Chúa Giêsu, trong Phúc Âm: “ Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì có sự sống đời đời”. “ Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.