Những lời trên đây của Chúa Giêsu có vẻ quá khắt khe, thẳng thừng, gây cảm giác khó chịu. Có phải Chúa Giêsu đòi hỏi quá đáng không ?- Có phải là không nhân bản không ?- Có phải ngài không quan tâm đến cái thế giới mà chúng ta đang sống. Ngài quên rằng, chúng ta là những con người tầm thường, yếu đuối, có nhiều giới hạn…chứ không phải là anh hùng.
Thực ra, Chúa Giêsu nói thẳng thắn, không kiểu cách xã giao. Chúng ta hãy chú ý lắng nghe, hiểu đúng, tự chất vấn chính mình để có thể nhận ra đâu là ý của ngài.
Đức Kitô không bao giờ là con người nửa vời. Tình yêu ngài mang đến cho Chúa Cha rõ ràng là không thỏa hiệp. Sự trung tín của ngài là triệt để. Sự vâng phục thánh ý Chúa Cha là hoàn toàn. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống theo kiểu cách đó. Không phải là không được yêu mến cha, mẹ, anh, chị em. Vấn đề là không được yêu thương họ hơn Đức Kitô. Yêu mến cha mẹ, anh, chị em.. yêu hết lòng; thế nhưng, yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, trao cho ngài sự yêu thích hơn, đó chính là lời giáo huấn của Chúa Giêsu. Thiên Chúa phải được phụng sự trước tiên, bởi vì ngài có giá trị cao quý hơn tất cả mọi thứ trên trần gian. Không có gì chính đáng hơn khi chúng ta nghĩ đến điều đó một chút. Một giáo huấn như thế không có gì là không nhân bản cả.
Lời Chúa dạy về việc vác lấy thập giá của riêng mình chắc chắn là khó lòng được chấp nhận. Nó quấy rầy hơn. Tự trút bỏ chính mình, chế ngự cái tôi của mình, nghĩ đến người khác hơn là con người bé nhỏ của mình, tự trao hiến mỗi ngày và mỗi ngày một hơn… đó chính là cả một cuộc phiêu lưu. Chúng ta sẽ không chối bỏ điều đó.
Thế nhưng, chúng ta được kêu gọi đi đến đó, và chúng ta dấn thân vào đó khi trở thành kitô hữu. Thánh Phaolô nói như sau: Khi chúng ta được rửa tội, chúng ta không thể sống như trước nữa; chúng ta phải sống một cuộc sống mới, nghĩa là một cuộc sống tìm thấy nguồn hứng khởi trong Đức Kitô. Tìm yêu mến như ngài đã yêu mến; tìm nghĩ đến người khác như ngài đã làm; an ủi, giải phóng, tha thứ, động viên tinh thần như ngài có thể làm điều đó: đó là lý tưởng được đề nghị. Ngài gợi mở đến sự triệt để. Ngài không chấp nhận sự nửa vời.
Để sống theo gương Đức Kitô, chúng ta đừng nghĩ đến những cử chỉ đặc biệt nổi nang, cũng đừng nghĩ đến những nỗ lực ăn năn lớn lao của một sự quảng đại tốt đẹp, nhưng là những việc nhỏ bé, đơn lẻ. Tốt hơn chúng ta nên nghĩ đến những cái thường nhật, nghĩ đến mặt đất phải sống mỗi ngày. Chính trong cái thường ngày mà chúng ta phải chết cho chính mình, và chúng ta có thể làm điều đó tốt hơn hết. Chính nơi đó mà chúng ta có thể đi theo Đức Kitô mà không làm bộ làm tịch, không đóng kịch và cũng không tìm cách lòe thiên hạ.
Phúc Âm nói về sự đón tiếp. Bài trích sách Các Vua cũng nói về điều đó. Phúc Âm nhắc lại sự cao trọng và quan trọng của ly nước mát cho người khác uống. Mở rộng tâm hồn, mở rộng cửa lòng. Hãy nghĩ trước hết đến người khác, trong khi chúng ta rất có khuynh hướng nghĩ đến chính mình đầu tiên. Đừng bao giờ nói: tôi đã làm đủ rồi. Đừng bao giờ nói: họ phải tự xoay sở lấy, bởi vì tôi cũng tự xoay sở một mình thôi. Đừng có bằng lòng với việc thốt to lên những tiếng kêu, bởi vì có quá nhiều bất công lớn lao trong thế giới, có quá nhiều những đau khổ không thể chịu đựng nỗi… Tốt hơn chúng ta hãy nhạy bén với những bất công nho nhỏ bị vi phạm nơi chúng ta đang sống, và chung quanh chúng ta ; sau đó, hãy sửa chữa chúng. Đừng có rên xiết duy chỉ trên những người không có gì để ăn ở cách xa chúng ta… mà hãy quan tâm trước hết những ai đang đói nơi chúng ta, trong nhà chúng ta, ở gần chúng ta… Có thể họ không đói cơm bánh mà chúng ta đặt trên bàn, ; nhưng có những người đang đói thứ cơm bánh nuôi dưỡng và sưởi ấm con tim.
Hãy mở rộng cửa nhà mình ra mỗi ngày, hãy mở rộng con tim mỗi ngày… mở rộng con tim và nhà của mình một cách bền bỉ, liên lỉ… đó chính là yêu mến Đức Kitô trên tất cả mọi sự và trên tất cả mọi người. Đó chính là vác lấy thập giá của mình. Đó chính là đánh mất mạng sống mình để cứu thoát nó.