Các giáo sĩ Do Thái dạy rằng, Thiên Chúa luôn luôn hiện diện ở giữa những ai tuân giữ Lề Luật, hay cầu nguyện chung với nhau. Đối với Chúa Giêsu thì, Đức Kitô không những ngự giữa chúng ta khi chúng ta tụ họp nhân danh ngài, mà nhất là trong hai trường hợp cụ thể, chính xác sau đây: một là khi chúng ta cùng cầu nguyện để xin Thiên Chúa soi sáng cho chúng ta giải quyết những trường hợp sai phạm. Hai là khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện để xin Chúa ban ơn hối cải cho những anh em lầm lạc với lề luật thánh.
Thực vậy, Chúa bảo đảm là ngài sẽ hiện diện khi chúng ta cùng cầu nguyện để giải quyết những trường hợp sai phạm, nghĩa là để đưa dẫn anh em đang trong tình trạng lầm lỡ trở về. Rõ ràng là điều đó rât là khó. Bởi vì để thực hiện được điều đó, cần phải biết thương yêu, và rất khiêm nhường. Để có thể lợi được anh em, chúng ta phải giả thiết là sẵn sàng bị anh em thù ghét, miễn là anh em có cơ may điều chỉnh lại cách sống của mình. Trong cuộc sống xã hội đời thường, chỉ cần nói cho người khác biết sự thật về chính họ là đủ để trở thành kẻ thù của họ. Tuy nhiên, điều đó cũng nói lên rằng, chúng ta cần phải có can đảm nói với họ điều chúng ta nghĩ về họ. Chúng ta cần phải mạnh dạn nói với họ về việc làm của họ. Bởi vì chúng ta yêu mến họ.
Dĩ nhiên, điều đó cũng giả thiết phải khiêm nhường rất nhiều, bởi vì khi thực hiện điều đó, chúng ta dễ bị cám dỗ trở thành quan tòa xét xử. Chúng ta dễ rơi vào cơn cám dỗ cho mình là trong sạch, tốt lành và thánh thiện hơn người khác.
Thế nhưng, chúng ta là ai mà dám xét xử người khác ?- Mỗi người phải ý thức thân phận mỏng dòn, yếu đuối của mình. Mỗi người phải biết là mình cũng dễ sa ngã, sai phạm. Vì thế, phải đến với anh em trong tình anh em. Phải gặp gỡ anh em với một sự trân trọng cao quý. Phải bày tỏ ý kiến của mình với một sự tế nhị, lịch sự và khôn ngoan. Phải nói với anh em về anh em trong sự cảm thông, hiểu biết. Phải xác tín là, nếu ym lặng là không yêu mến anh em. Vì thế, việc sửa sai anh em cần phải kiên trì, tiến hành qua nhiều giai đoạn. Trước hết là gặp gỡ riêng tư, cá nhân với cá nhân, trình bày điều hay lẽ phải. Nếu chưa có kết quả thì nhờ đến một vài anh em thân cận khác. Bởi vì sự động viên và thiện chí của nhiều người có thể giúp cho đương sự ý thức, suy nghĩ và hồi tâm. Nếu vẫn chưa lay chuyển được tình thế, thì cộng đoàn sẽ là tiếng nói chính thức của Giáo Hội, của chính Chúa…
Thiết tưởng cần phải phân biệt rõ ràng giữa thẳng thắn, yêu thương và sự khoan dung. Ngày nay người ta hay nói nhiều về sự khoan dung. Trong nhiều hoàn cảnh, khoan dung lại đồng nghĩa với cá nhân chủ nghĩa, hay một sự dửng dung lịch sự, rất xa với Phúc Âm. Chúng ta phải quan tâm đến anh em, cũng như anh em phải quan tâm đến chúng ta, bởi vì tất cả đều là anh em. Chính tình nghĩa anh em là làm trọn Lề Luật.
Ngoài ra, cầu nguyện cho anh em ăn năn trở lại cũng giả thiết phải vững tin và nhiều hy vọng. Cần phải có đức tin vững mạnh để cảm nghiệm đau khổ khi thấy anh em sống xa Thiên Chúa, xa Phúc Âm và xa tình yêu anh em. Nên nhớ, đau khổ, nhưng không xét đoán. Đồng thời thái độ đó cũng hàm chứa rất nhiều hy vọng. Bởi vì cho dù có thế nào đi nữa, chúng ta không bao giờ thất vọng về anh em; trái lại, luôn luôn hy vọng về việc anh em có thể quay trở về Chúa và với cộng đoàn.
Cộng đoàn các môn đệ của Chúa được chứng minh qua tình yêu thương lẫn nhau.
Vấn đề đặt ra là, chúng ta có thể yêu mến người khác đến nỗi luôn quan tâm làm lợi cho anh em hay không ?- Chúng ta có đau khổ khi thấy anh em rời xa cộng đoàn hay không ?- Chúng ta đã làm gì để giúp đỡ anh em lỡ lầm của chúng ta ?-
Hỏi, tức là trả lời vậy.