Khi anh em lỗi phạm đến con, con phải tha thứ bao nhiêu lần ?- Có phải bảy lần không ?- Đây là một câu hỏi sáng suốt, khôn ngoan. Bởi vì, nếu tha thứ không ngừng, nếu không đặt một ranh giới nào cho sự tha thứ, thì người ta có liều mình gây nên sự ác hơn là sự thiện không ?- Như thế có phải người ta khuyến khích sự vô trách nhiệm và sự dữ không ?- Như thế có phải là làm cớ gây nên những lạm dụng cần phải loại bỏ không ?
Chúa Giêsu trả lời, tha thứ bảy lần không đủ, nhưng phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy. Điều đó có nghĩa là không có biên giới nào đặt ra cho sự tha thứ. Không có một số lần nào cố định để không tha thứ. Sự tha thứ là vấn đề của con tim. Nó phát xuất từ một con tim nhân từ và quảng đại. Nó là một trong những biểu hiện đẹp đẽ nhất của tình yêu. Mà, một tình yêu chân chính và sâu sắc thì không bao giờ tự đặt giới hạn cho mình. Tình yêu thì không mức độ. Tình yêu thì vô tận, vô biên.
Để nói rõ hơn ý nghĩ của mình, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn về một ông vua và người đầy tớ. Ông vua thì quảng đại vô cùng. Ông sẵn sàng tha một số nợ mười ngàn nén bạc. Một số tiền kếch sù, tương đương với sáu mươi triệu dolla bây giờ. Vị vua vô cùng quảng đại này, tượng trưng cho Thiên Chúa, được đặt làm kiểu mẫu cho tất cả các môn đệ Chúa Kitô. Các môn đệ phải tha thứ như Thiên Chúa tha thứ. Mà sự tha thứ của Thiên Chúa thì vô cùng, giống như là tình yêu vô tận của ngài. Sự tha thứ thần thiêng phản ánh tình yêu thần thiêng. Nó có cùng một nguồn sức mạnh, cùng một sự phong phú, cùng một sự sâu sắc như nhau.
Bên cạnh nhà vua quảng đại, thì là tên đầy tớ hà khắc. Sau khi lãnh nhận nhiều hết sức, anh ta lại có một thái độ bủn xỉn hết sức. Người bạn chỉ mắc nợ anh ta rất ít. Một trăm bạc, vào khoảng ba ngàn dollars. Ba ngàn dollars so với sáu mươi triệu dollars. Nhưng anh ta đã tỏ ra hêt sức cố chấp. Vì thế, anh ta đã phải trả giá rất đắt về thái độ của mình. Chẳng những không được tha nợ, mà anh còn phải bị giam giữ, trừng phạt, loại trừ.
Bài học rất rõ ràng cho mỗi người trong cuộc sống. Bởi vì chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ vô cùng, chúng ta cũng phải tha thứ một cách không giới hạn cho anh em. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về những sự tha thứ hay không tha thứ của chúng ta đối với anh em, so với những lần được ngài tha thứ. Ở đây không phải là sự báo oán của Thiên Chúa. Chỉ đơn thuần là vấn đề công bình và hợp lẽ phải.
Lý tưởng đặt ra rõ ràng là rất cao, và hầu như không bao giờ đạt tới. Tuy nhiên, điều đó thích hợp với tất cả những gì Phúc Âm hướng dẫn. Chúa Giêsu đã từng dạy các môn đệ hãy nên trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành. Ở chỗ khác, ngài nhắn nhủ, hãy làm cho người khác những gì mà mình muốn người khác làm cho mình. Thậm chí khi bị đóng đinh trên thập giá do một bản án bất công, ngài cũng đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại ngài. Đối với ngài, tha thứ là sự diễn tả trực tiếp của tình yêu thương. Bởi vì rao giảng một tình yêu hướng về vô tận, cho nên ngài cũng mời gọi hãy tha thứ không giới hạn. Dĩ nhiên, ngài không có ý khuyến khích các tội nhân cứ ở lỳ trong tội lỗi. Ngài không nhắm mắt trước những sự dữ. Ý của ngài là hãy chiến thắng sự dữ bằng những việc lành ; hãy chiếm lấy con tim của kẻ ác bằng một tình yêu sung mãn. Tha thứ sẽ tạo nên khoảng không gian cho sự sống mới. Từ chối tha thứ, là từ chối trao ban sự sống. Tha thứ, tha thứ quảng đại là mở những cánh cửa sự sống cho người lầm lỡ.
Bởi vì, tha thứ là làm cho sống.