Trong cuộc sống đời thường, ít nhất đã hơn một lần chúng ta mời những người thân quen đến tham dự một bữa tiệc gia đình nhân một kỷ niệm, hay một biến cố quan trọng nào đó. Và chắc chắn cũng nhiều lần chúng ta cũng được mời đến nhà những người liên hệ cũng với những lý do tương tự. Sở dĩ chúng ta mời nhau, là vì chúng ta biết rõ điều đó có nhiều ý nghĩa và giá trị cao quý.
Khi đứng ra mời, chủ nhân muốn liên kết người khách vào một biến cố quan trọng của bản thân, hay gia đình. Muốn làm vui lòng khách, muốn tỏ cho khách biết vị trí đặc biệt của khách trong cuộc đời của mình. Còn khi được mời, chúng ta cảm kích, xúc động vì thái độ thân thiện và trân trọng mà chủ nhân dành cho mình. Chúng ta nhìn thấy đây là một cơ hội để gần gũi với một gia đình, hay để gặp gỡ bạn bè, bằng hữu. Chúng ta sẽ có thể chúc mừng, tạo nên những mối liên hệ, hay làm sống lại nghĩa cũ tình xưa.
Vì thế, đáp lại lời mời, là đón nhận cái gì mới, là đi ra ngoài những gì đơn điệu thường ngày. Là chấp nhận tấm lòng ưu ái của người khác. Còn lời mời bị từ chối, thì quả là một cái gì rất khó chịu. Không quan tâm đến lời mời, là không biết đến tình cảm của chủ nhân, cũng như không đánh giá cao niềm vui và sự trang trọng của ngày lễ. Không đến dự, là tự tách mình khỏi một biến cố, và tự cắt đứt với một quan hệ quý báu, cần thiết.
Hiểu được như thế, chúng ta mới cảm thông được sự bẽ bàng, bực tức và sỉ nhục của nhà vua khi bị từ chối trong dụ ngôn. Ở đây là lời mời đến dự tiệc cưới của hoàng tử, do nhà vua đứng ra tổ chức. Những người được mời là thần dân trong xứ sở. Sở dĩ họ được mời, là vì tình thương đặc biệt của nhà vua dành cho họ. Chứ tuyệt nhiên không phải vì họ có công trạng, hay xứng đáng. Tha thiết mong muốn cho họ được chung hưởng niềm hoan lạc, hạnh phúc có một không hai này, nhà vua đã năm lần, bảy lượt cho người đi mời mọc, nhắc nhớ. Thế nhưng, họ đã thẳng thừng từ chối. Họ xem những việc riêng tư quan trọng hơn niềm vui ngày đại lễ. Họ đánh giá thấp cái tình cảm ưu ái nhà vua dành cho mỗi người. Họ bỏ qua cái cơ hội may mắn ngàn năm một thuở trong đời. Thậm chí họ còn hành hung những sứ giả được sai đến để nhắc nhở lại lời mời gọi yêu thương. Vì thế, nhà vua đã nổi trận lôi đình. Những kẻ được mời đã tỏ ra không xứng đáng, nên đã bị loại ra ngoài. Tuy nhiên, chương trình tốt đẹp của ngày vui không thể nào bị bỏ dở. Cho nên, nhà vua đã cho mời tất cả mọi người, không phân biệt tốt xấu, không phân biệt sang hèn, cùng đến dự tiệc vui với ngài.
** Ý nghĩa của dụ ngôn giúp chúng ta hiểu được phần nào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Ngài mời gọi chúng ta cùng đến với ngài. Thế nhưng nhiều lần chúng ta đã không quan tâm, không màng đến. Chúng ta đã quay lưng lại với ngài. Thậm chí còn chối bỏ, sỉ nhục ngài bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên chương trình tình yêu của ngài vẫn tiếp tục được tiến hành. Những người khác sẽ đến với ngài. Những người khác sẽ được chung hưởng hạnh phúc với ngài. Còn chúng ta, nếu không tỉnh thức và khôn ngoan, sẽ bị loại trừ.
Dĩ nhiên dụ ngôn muốn nhắm đến những kỳ lão, và các đầu mục tư tế đã từ chối không tiếp nhận Chúa Giêsu và sứ điệp yêu thương của ngài. Thế nhưng, chúng ta cũng hiểu rất rõ là, Chúa cũng muốn nhắn gởi đến chúng ta một lời cảnh báo nghiêm túc. Hãy ý thức giá trị cao quý của tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Hãy mau mắn đáp lại lời mời gọi yêu thương của ngài, bằng chính tình yêu chân thành, được thể hiện bằng những việc làm cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Sống tinh thần Phúc Âm, thực hiện đức bác ái yêu thương với anh em chung quanh, nhất là đối với những người bất hạnh, khốn khổ. Đó chính là y phục lễ cưới cần thiết phải có để chung hưởng hạnh phúc muôn đời.