1.
Lúc này, mắt thân xác tôi mờ hẳn đi. Mắt tâm hồn tôi cũng mờ trầm trọng. Tôi như người mù thành Giêrikhô xưa mà Phúc âm thánh Máccô đã ghi lại. Tôi kêu cầu Chúa Giêsu thương đến tôi.
2.
Có một lúc, tôi cảm thấy như Đức Mẹ bảo tôi: “Con hãy đứng dậy, Chúa đang gọi con đấy”.
Rồi Đức Mẹ dắt tôi lại với Chúa Giêsu. Chúa hỏi tôi: “Con muốn gì”. Tôi thưa: “Con xin Chúa cho con được nhìn thấy”.
Chúa đã cho tôi nhìn thấy tôi là kẻ tội lỗi, còn Chúa là Đấng cứu độ tôi.
3.
Gặp Chúa, tôi thấy những lời Chúa phán xưa về Chúa đều tuyệt đối đúng.
“Thầy không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi” (Mc 2, 17).
“Thầy không lên án chị đâu.Thôi, chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
Thế là tôi đã và đang được trở về với Chúa với nhiều an ủi.
4.
Trở về với Chúa, đó là điều tôi thực hiện mỗi ngày. Nhưng sự trở về hiện giờ được tôi đón nhận với vài cảm nhận mới.
5.
Cảm nhận thứ nhất là tôi cảm thấy một cách sâu xa, tôi là kẻ tội lỗi, rất khốn khổ, giống như người mù ngồi ăn xin ở vệ đường.
Nhận thức mình như thế khiến tôi trầm mình xuống vực thẳm khó nghèo, giúp tôi khiêm nhường.
6.
Khiêm nhường, thì mới sám hối thực tình.
Khiêm nhường, thì sự trở về với Chúa mới được Chúa chấp nhận.
7.
Khiêm nhường nhận mình tội lỗi là một khởi đầu tốt cho hành trình trở về với Chúa.
Về điểm đó, tôi nhận thấy nhiều gương sáng rất dễ thương,
+ Như thánh vương Đavid,
+ Như thánh Phêrô và thánh Phaolô,
+ Như thánh Madalena,
+ Như thánh Mátthêu
+ Như thánh Augutinh.
8.
Nhận mình tội lỗi, mà không thất vọng, nhưng kêu cầu Chúa, một cách khiêm tốn và kiên trì.
9.
Thánh tông đồ Phêrô là kẻ trở về với Chúa, đã có kinh nghiệm sâu sắc về sự khiêm nhường, nên đã khẳng định: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (1Pr 5,5).
10.
Thánh tông đồ Phaolô là kẻ trở về với Chúa, cũng đã khuyên nhủ chúng ta, hãy khiêm nhường như Chúa Giêsu:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập giá.” (Pl 2,6-8)
11.
Khiêm nhường là điều rất cần, nhưng lại là điều rất khó. Khi tôi học khiêm nhường nơi Đức Mẹ và nơi Thánh Giuse, thì các Đấng giúp tôi. Tôi được an tâm.
12.
Quỉ dữ Satan là tướng Kiêu ngạo thường lôi kéo người ta vào đạo binh của nó bằng những cám dỗ tinh vi về kiêu ngạo.
13.
Xưa, Giuđa Iscariôt được Chúa Giêsu ban cho chức tông đồ, lại được Chúa trao thêm quyền quản lý, nhưng vì tự hào, tự đắc, nên Chúa để cho Satan nhập vào mình, ra đi, phạm tôi bán Chúa, để rồi kết thúc đời mình bằng tự treo cổ chết một cách khủng khiếp.
14.
Muốn theo Chúa thì phải học nơi Chúa sự khiêm nhường. Chính Chúa cũng tự giới thiệu mình là kẻ hiền lành và khiêm nhường. “ Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,29)
15.
Đức Mẹ luôn nhắc nhở tôi hãy xin Chúa cứu tôi khỏi kiêu căng dưới mọi hình thức. Đó là cảm nhận thứ nhất tôi nhận được từ Đức Mẹ.
16.
Cảm nhận thứ hai là: Đức Mẹ dạy tôi hãy biết sợ những gì phải sợ.
17.
Có lần, Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã hóm hỉnh nói với tôi: “ Nhiều Linh mục đang là những người không biết sợ:
Không sợ giáo dân,
Không sợ Giám mục,
Không sợ chính quyền,
Không sợ cả Thiên Chúa.
Thế là hư hỏng rồi!”
18.
Rất may Đức Mẹ giúp tôi trở nên người biết sợ, nhất là biết kính sợ Chúa.
Tôi tin Chúa giàu lòng thương xót, nhưng không vì thế, mà tôi cứ phạm tội.
Không những thế, hằng ngày tôi vẫn sám hối về những tội tôi phạm trong ngày. Thực sự, tôi không thấy hết những tội của tôi. Nhưng Chúa thấy rất rõ. Nên tôi sám hối, xin Chúa tha thứ. Đôi lúc, tôi quá sợ sự yếu đuối của tôi. Tôi càng quá sợ cho những người khác.
19.
Sợ hãi làm tôi mệt mỏi. Nên tôi luôn bám vào Đức Mẹ.
20.
Tôi bám vào Đức Mẹ bằng đủ mọi cách, thí dụ luôn mang theo mình chuỗi hạt mân côi, luôn thầm đọc kinh Kính mừng, luôn gọi Mẹ qua nhớ lại những bài hát về Mẹ, luôn nhìn các ảnh tượng xung quanh mình, luôn nói chuyện với Mẹ và nghe Mẹ nói với tôi bằng đủ mọi cách dịu dàng, đơn sơ của người Mẹ rất gần gũi bên tôi. Đặc biệt, tôi luôn phó thác mình tôi và những người thuộc về tôi cho Đức Mẹ. Tôi dâng cho Chúa mọi đau đớn tôi chịu hiện giờ, để cầu cho các đồng bào yêu dấu của tôi đang phải chịu biết bao thử thách.
21.
Tôi tin, sẽ có một lúc nào đó, Đức Mẹ sẽ nói với tôi: “Chúa gọi con đấy, hãy đứng dậy” Đó là lúc tôi chết.
Tôi chết, nhưng là lúc tôi đứng đây một cách thiêng liêng, để trở về với Chúa của tôi.
Đời tôi là một chuyến đi trở về với Chúa. Xin cảm tạ Đức Mẹ, Mẹ yêu dấu của tôi, và của chúng ta. Amen.
Long Xuyên, ngày 22.10.2020