Ngày nay, nhất là tại các nước phương Tây, ở các thành phố lớn, người ta dễ dàng nhận thấy hiện tượng khô khan, nguội lạnh, ít lui tới nhà thờ, xao lãng việc nhận lãnh các bí tích. Có nhiều lý do được đưa ra, như: yếu kém lòng tin, cuộc sống dễ dãi với rất nhiều tiện nghi, giải trí, bao nhiêu công việc cần phải cáng đáng… Chắc chắn những lý do này cần phải xem xét lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng không khó nhận ra một làn sóng trào dâng, âm thầm, nhưng rất mạnh mẽ, của một khát vọng, một sự hăng say tìm kiếm, một sự đáp trả lời mời gọi sâu thẳm của con tim, của tấm lòng, để gặp gỡ Thiên Chúa, để được hạnh phúc viên mãn.
Chúng ta còn nhớ, trong Cựu Ước, tiên tri Giêrêmia, bằng một thứ ngôn ngữ can đảm, tố cáo cái tính cách quá pháp lý, quá nệ luật của Giao Ước trên núi Sinai, và loan báo một Giao Ước mới, với những tương quan mới, giữa con người với Thiên Chúa, một sự âu yếm hỗ tương theo kiểu mẫu của đôi vợ chồng: “ Ta sẽ đặt lề luật của Ta trong tận đáy thẳm sâu của chúng. Ta sẽ ghi khắc lề luật đó trong con tim của chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Chúng sẽ là dân của Ta”.
Có phải lề luật bên trong này, cái khát vọng của con tim này, từ hai ngàn năm qua, thúc đẩy con người ở tất cả mọi nơi, thuộc tất cả mọi nền văn hoá, đi đến với các môn đệ Chúa Giêsu để van xin họ: “ Chúng tôi muốn gặp gỡ Chúa Giêsu !“.
Họ có chỗ của họ trong đoàn người được Ba Nhà Đạo Sĩ, vẫn thường được gọi là Ba Vua, khai mở đến từ Phương Đông, mong muốn gặp gỡ Vua dân Do thái vừa mới sinh ra. Đồng thời, họ cũng đến theo sau những người Hy lạp mà Phúc Âm hôm nay nói đến, những người này cũng muốn gặp gỡ Chúa Giêsu.
“ Nhìn thấy, gặp gỡ”. Từ ngữ này, theo thánh Gioan, dường như vượt xa rất nhiều một hành vi của thị giác, hay một sự hiếu kỳ bâng quơ. Những người Hy lạp này, cũng như Ba Nhà Đạo Sĩ, là những người tìm kiếm Thiên Chúa, những người tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và hạnh phúc đích thực. Họ cũng di chuyển. Họ đã đến vào lúc kết thúc, ngay trước khi Cuộc Thương Khó sắp bắt đầu. Họ có ý nghĩa của biến cố; họ linh cảm một cái gì quan trọng sắp xảy ra. Những người Hy lạp này đã không đến mà không vì lý do gì cả. Họ sẽ được đầy tràn, vượt khỏi nỗi khát khao trong tâm hồn họ. Họ sẽ nghe thấy từ chính miệng của Chúa Giêsu những lời này: “ Thời giờ đã đến để Con Người được tôn vinh”.
Điều mà ngày xưa các Nhà Đạo Sĩ đã linh cảm trước một Hài Nhi mới sinh ra, thì bây giờ những người Hy lạp sẽ thực hiện trước kẻ sắp bị đóng đinh. Họ đã ở trong vòng ảnh hưởng của Đấng, một khi được treo lên khỏi đất, sẽ lôi kéo mọi người đến với ngài.
Trong khi những người Do thái, mặc dù đã có những lời hứa và Thánh Kinh, sẽ khăng khăng bướng bỉnh trong sự không hiểu biết, thì những người Hy lạp, những người xa lạ với nền văn hoá tôn giáo của Israel, sẽ mở rộng tâm hồn ra với mầu nhiệm của Chúa Giêsu. Chính là trước mặt họ, mà Chúa Giêsu loan báo một cách long trọng, cuộc Thương Khó của ngài, vén mở ý nghĩa của cái chết của ngài, cái bản chất đích thực của vinh quang ngài.
Là những người chứng kiến sự bối rối của ngài, sự hoảng hốt của ngài, họ sẽ học biết rằng, chính vì cái giờ này mà Chúa Giêsu đã đến: giờ mà tội lỗi thế gian sẽ dẫn đưa Chúa Giêsu đến cây Thập Giá; thế nhưng, cũng là giờ mà cây thập giá lại trở thành một chiếc ngai vinh quang, một sự chiến thắng trên cái chết, và trên tất cả những cái chết.
Hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, sẽ không trổ sinh hoa trái. Để hiểu được tất cả những điều đó, đối với người Hy lạp và cả đối với chúng ta, phải cần đến tấm lòng và tình yêu.