Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những người biệt phái muốn đi đến đâu khi hỏi Chúa Giêsu: “Giới răn nào quan trọng nhất”. Họ đã biết trước là phải trả lời rằng, “ Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết tâm hồn, hết sức và hết trí khôn ”. Từ đó, họ rút ra kết luận sau đây: Nếu yêu mến Thiên Chúa là giới răn thứ nhất và quan trọng nhất, thì tất cả những giới răn khác đều là thứ yếu, và ít quan trọng hơn. Và do đó thật là dễ dàng giản lược tình yêu Thiên Chúa vào việc phụng vụ ở hội đường; họ sẽ có thể dựa trên câu trả lời của Chúa Giêsu để tự biện hộ cho việc không quá quan tâm đến anh chị em đồng loại. Họ nói rằng, điều chính yếu, chính là sự trung tín vào những thực hành phụng vụ. Chính những nghi thức phụng vụ diễn tả hay hơn hết tình yêu phải có đối với Thiên Chúa.
Cái bẫy thật quá rõ ràng. Chúa Giêsu không để mình bị sập bẫy. Sau khi đã nhìn nhận rằng, giới răn thứ nhất và quan trọng nhất là giới răn của tình yêu Thiên Chúa, ngài liền thêm vào, còn có một giới răn thứ hai, giống như giới răn thứ nhất. Giống như, như vậy là bằng nhau và cũng hoàn toàn quan trọng. Và như thế, những người biệt phái bối rối, hoang mang.
Chúng ta hãy hiểu rõ tại sao Chúa Giêsu đặt giới răn thứ hai vào cùng một độ cao như giới răn thứ nhất. Chính là vì, ở trong mỗi con người, cho dù có bị thương tổn và biến dạng đến mấy đi nữa, vẫn là phản ánh của chính Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Yêu mến một con người nhân loại, chính là yêu mến chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã từng nhấn mạnh điều đó:“ Điều các con làm cho một trong những kẻ bé mọn này là các anh em ta, là anh em làm cho chính Ta” ( Mt 25 ).
Thêm vào đó, chúng ta đều được kêu gọi trở nên những người bắt chước Thiên Chúa. “ Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” ( Mt 5 ). Một trong những chiều kích của sự toàn thiện Thiên Chúa rõ ràng là yêu mến tất cả mọi người, cho dù họ có thế nào đi nữa, trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa. Đối với Thiên Chúa, không yêu mến, không yêu mến nữa, thì sẽ không còn là Thiên Chúa nữa. Chúng ta phải càng ngày càng trở nên giống như ngài. Chính vì thế, tình yêu phải có đối với anh em đồng loại thì không thể tách rời khỏi tình yêu phải có đối với Thiên Chúa.
Thực ra, luôn luôn khó mà tìm thấy sự quân bình chính đáng nằm ở đâu giữa hai tình yêu này. Trải qua hàng bao thế kỷ, khi thì người ta nhấn mạnh nhiều hơn trên khía cạnh này, khi thì khía cạnh khác. Ngày nay cũng còn như thế, một số người nói rằng, nghi thức phụng vụ là phải ưu tiên hàng đầu và như vậy, từ bỏ hay lơ là những nghi thức phụng vụ, là rời xa chính Thiên Chúa. Lời khẳng định thì đúng; thế nhưng, nó không thể dùng để viện thành lý do để không yêu mến anh em đồng loại.
Những người khác thì rất vui lòng nhấn mạnh sự quan trọng của tình yêu anh em đồng loại. Họ có lý, khi nói rằng, tình yêu này là dấu chỉ, dấu chỉ bắt buộc, của tình yêu mà chúng ta mang cho Thiên Chúa. “ Ai nói mình yêu Thiên Chúa và không yêu thương anh em mình, thì là kẻ nói dối” ( 1Jn 4 ). Điều đó rất đúng. Thế nhưng, nếu người ta dùng cái luận chứng này để căn cứ vào đó giải thích cho việc vắng mặt ở nhà thờ, thì điều đó không đi đến đâu cả.
Vậy đó, trò chơi thăng bằng. Cơn cám dỗ giữ một khía cạnh và từ chối khía cạnh khác. Chúa Giêsu phản đối cái luận điệu này. Đối với ngài, tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em đồng loại chỉ là một. Đến nỗi xao lãng cái này, là xao lãng cái kia. Không thể nào nghĩ rằng, có thể yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em. Cũng không thể nào tin rằng, người ta sẽ có thể yêu mến anh em đồng loại một cách tròn đầy và theo kiểu của Đức Kitô mà lại không phụng thờ Thiên Chúa.
Như vậy, chúng ta không phải chọn lựa giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em đồng loại. Chúng ta phải chọn cả hai và sống cả hai. Chúng ta cũng không phải chọn lựa giữa tình yêu Thiên Chúa được sống trong nghi thức phụng vụ ở nhà thờ và tình yêu Thiên Chúa được sống trong việc phục vụ anh em đồng loại. Cả hai cách yêu mến này không loại trừ nhau, và cũng không cạnh tranh với nhau: chúng kêu gọi nhau và tăng cường sức mạnh cho nhau.
Người nào đến nhà thờ bày tỏ tình yêu thật sự mà mình mang đến cho Thiên Chúa, thì sẽ luôn luôn nghe một tiếng nói ngỏ với mình rằng: “ Bây giờ con hãy yêu mến anh em con”. Và kẻ nào cảm nhận được gương mặt của Thiên Chúa đằng sau gương mặt của người anh em mà mình thương mến, sẽ luôn luôn nghe cũng chính tiếng nói: “ Con hãy đến nghỉ ngơi bên Cha.. để còn yêu mến hơn nữa những người là anh chị em con”.
Như vậy có hai giới răn, mà thực chất chỉ là một ; bời vì cả hai cũng chỉ phục vụ hai tình yêu, mà hai tình yêu này, thực ra cũng chỉ là một: tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em đồng loại.