Câu chuyện xảy ra sau khi Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Chúa đã nói một cách nhiệt tình về lình thương yêu anh em. Bỗng nhiên, một đám mây che phủ tất cả: sự bất xứng của Ông Giuda, kẻ phản bội. Hơn nữa, trong viễn cảnh khá gần, phảng phất hình ảnh Phêrô chối Thầy, và các môn đệ bỏ trốn.
1) Bản văn đặt chúng ta trong một hoàn cảnh tranh tối tranh sáng gợi sự tò mò của chúng ta. Một bên, Chúa Giêsu chỉ rõ kẻ sẽ nộp ngài qua miếng bánh ngài trao cho. Bên kia, không một kẻ đồng bàn nào hiểu được ý nghĩa… Hình như là, mặc dù có những chi tiết được thánh Matthêu kể lại, các môn đệ chưa hình dung trọn vẹn những gì sắp xảy đến. Đàng khác, ông Giuđa ra đi ngay tức khắc, và Chúa Giêsu bắt sang một chuyện khác.
Giuđa ra đi ( và cùng với ông ta, có cả satan từ nãy giờ luôn rình mò quanh cộng đoàn được Đức Kitô qui tụ ), làm cho bầu khí bớt căng thẳng.
Như được nhẹ nhõm, Chúa Giêsu nói: Bây giờ Con Người đã được tôn vinh. Bây giờ đây là Giờ mà thánh sử Gioan rất thường nói tới. Giờ đó không nằm trong tương lai, nhưng trong hiện tại, trong lúc nầy đây. Chính lúc này là lúc Đức Kitô chiến thắng Satan và thế gian thù địch, là lúc Tinh Yêu hiển trị trên hận thù, trên oán ghét, trên tội lỗi.
Vì đâu Đức Kitô được tôn vinh ?- Vì ngài phó mình cho quyền lực sự dữ và tử thần, để rồi sống lại hiển vinh. Chính qua cái ngõ đó, chính qua con đường Khổ giá, qua cái chết và sự phục sinh vinh quang, ngài phá hủy ách thống trị của sự dữ, của tử thần và ma quỷ. Để làm sáng tỏ điều ấy, chúng ta hãy ngước nhìn cây thập giá Chúa Giêsu. Thử hỏi trên thế giới, có biểu hiệu nào được đề cao hơn thập giá không ?- Đó là dấu chỉ sự hiển vinh của Chúa Giêsu chiến thắng sự dữ, tử thần và ma quỷ.
2) Chúng ta đã biết, trong Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu đau khổ rất nhiều. Thế nhưng, cái đau khổ lớn nhất có phải là roi đòn đánh đập, hay chiếc mão đầy gai nhọn đâm sâu vào da thịt, hay cơn hấp hối khủng khiếp tại vườn Gietsamani, hay là cái chết tủi nhục trên thập giá ?-
Chúng ta có thể tự hỏi điều đó, và tìm kiếm câu trả lời. Bởi vì có những đau khổ, khi đâm thủng con tim và tâm hồn chúng ta, làm chúng ta đau đớn hơn tất cả những đau khổ mà chúng ta có thể phải chịu đựng trong da thịt, thân xác. Người ta có thể đau khổ nơi thân xác, và lại hạnh phúc trong tâm hồn. Khi người ta đau khổ trong trái tim và trong tâm hồn, thì không còn có cách nào để được hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã bị một người trong các tông đồ thân tín của ngài bán đi: Giuda. Ngài đã bị một trong các người bạn thân chối bỏ: Phêrô. Ngài đã bị tất cả các môn đệ bỏ rơi. Có phải những lúc đó là những lúc ngài đau khổ hơn hết hay không ?-
Cái đau khổ làm đau đớn nhất không phải là cái đau làm cho người ta kêu la hơn hết. Cái đau đớn chạm đến tận thẳm sâu con người chúng ta không phải là cái mà chúng ta công bố trên mái nhà. Những cái đau đớn lớn nhất, cũng như những niềm vui lớn lao nhất, thường thường hầu như là lặng lẽ, âm thầm, kín đáo.
Chúa Giêsu biết rằng, một trong những người thân yêu sẽ bán nộp mình. Ngài đã có thể giơ tay chỉ đích danh tên phản bội và la hét vào mặt hắn. Thế nhưng, ngài đã không làm điều đó. Trái lại, ngài đã đối xử về việc này với Giuda một cách hết sức kín đáo, tế nhị, đến nỗi không một ai trong các môn đệ quan tâm, để ý. Thật vậy, có những thứ đau khổ làm người ta đau đớn hết sức đến nỗi người thích giữ lấy trong lòng, cho chính mình.
Bị Giuda bán nộp, Chúa Giêsu tiếp theo đó lại bị Phêrô phản bội. Chúa Giêsu biết rõ điều đó. Còn Phêrô, ông không biết. Ông đã không hình dung cả việc mình có thể đi xuống thấp như thế. Chúa Giêsu đã không một lời trách móc. Ngài đã sẵn sàng chịu đau khổ, ngay cả vì những người bạn tốt nhất, và sẵn sàng yêu mến họ, mặc cho những yếu đuối của họ. Khi người ta có thể đau khổ vì những người mình yêu mến, đó là dấu chỉ cho biết, người ta yêu mến thật lòng. Bởi vì, “không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người trao hiến mạng sống cho người mình yêu.”
3) Một điểm khác cần lưu ý là, giữa Giuđa và Phêrô, giữa hai thảm kịch của tình bạn nầy, lại có một sự khác biệt kinh khủng.
Một đàng là Giuda đắm chìm trong đêm tối và không thể nào trồi lên được. Ong ta đã thất vọng. Ong ta là hình ảnh khủng khiếp của sự thất vọng, ngã lòng: ông ta nghĩ, đối với ông ta, thế là hết. Tội lỗi của ông quá nặng nề. Ong đã hãm hại người Thầy thân thương yêu quí. Không ai có thể giúp ông ta. Không ai có thể cứu thoát, bênh đỡ ông ta. Không thể bám víu vào ai được nữa. Và ông ta đành buông xuôi.
Còn Phêrô, Phêrô cũng đo luờng được lỗi lầm của mình, nhưng ông vẫn kiên trì trong tình yêu. Ong chắc chắn là mình còn được yêu thương và còn có thể yêu thương. Chính cái xác tìn « Còn » nầy đã giúp cho ông không đắm chìm trong sự thất vọng. Ong biết mình. Ong khiêm nhường nhìn nhận sự yếu đuối của mình. Ong đã biết chổi dậy, sau khi sa ngã. Phó thác cho lòng thương xót Chúa. Ong biết rằng, không có gì là chấm hết đối với Thiên Chúa. Ong còn nhớ, Chúa Giêsu đã trả lời ông về sự tha thứ cho nhau; không phải bảy lần, mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ mãi mãi. Con người với nhau còn như thế, huống hồ với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót, hiện thân nơi con người của Chúa Giêsu. Ong còn nhớ rõ lời giảng dạy về tình yêu tha thứ, với những dụ ngôn về lòng thương xót như, người Cha nhân từ mong chờ, tha thứ đứa con hoang đàng, như người mục tử lên đường tìm kiếm con chiên lạc, như ngươi đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang được tha thứ.. Tất cả đã giúp Phêrô chổi dậy, tiến bước theo tiếng gọi yêu thương của Thầy Chí Thánh. Đó cũng là lời mời gọi: Đừng bao giờ thất vọng về Chúa. Ngài vẫn luôn luôn yêu thương, và sẵn sàng tha thứ cho những ai biết ăn năn thống hối.
*** Đôi khi, nếu bị những người thân yêu làm khổ, chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai của ngài. Khi chúng ta nghĩ rằng, Thiên Chúa không thể tha thứ, thì chúng ta trở thành Giuda. Trái lại, chúng ta luôn luôn có thể trở thành Phêrô và có thể nghe những lời làm cho chúng ta sống lại: “Con có yêu mến Thầy không ?-“ Điều quan trọng là: “ Con có yêu mến Thầy không ?-“ Câu hỏi đó vẫn mãi mãi vang lên trong tâm hồn chúng ta, để mời gọi chúng ta mãi mãi yêu thương, phó thác trong tình yêu và long thương xót của ngài.
Giờ của Chúa Giêsu, giây phút hiện tại của Người, là một thực tại vẫn còn mãi, là thực tại của mỗi người chúng ta. Chúng ta bị phô bày mặc cho sự dữ hành hung, và chúng ta sẽ gánh chịu cái chết. Nhưng có một cách thức đón nhận tất cả những điều ấy làm cho chúng ta trở thành những người chiến thắng và được tôn vinh. Nếu chúng ta nghĩ đến thập giá Đức Kitô, nếu chúng ta hiệp thông với Đức Kitô trên thập giá, nếu chúng ta góp chung những đau khổ và những giây phút hấp hối của chúng ta với sự đau khổ và giờ hấp hối của Đức Kitô, thì lúc đó, tất cả không những sẽ được biến đổi và có một ý nghĩa, mà còn góp phần vào công cuộc cứu độ thế giới, giải thoát anh em chúng ta, và chuẩn bị những ngày mai tươi sáng. Ngày Phục Sinh vinh quang. Cùng với Đức Kitô Phục Sinh, Chúa chúng ta.
Xin Chúa ban thêm cho chúng ta tình yêu, niềm tin và sự trông cậy, để luôn vững tin vào lòng thương xót và ơn tha thứ của ngài.