Chiều Thứ Năm Tuần Thánh được cử hành trong tinh thần tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền Chức Thánh. Nhưng đồng thời, cũng nhấn mạnh đến những khía cạnh quan trọng, có nhiều ý nghĩa và giá trị, trong việc thực hiện lễ Hy tế, đem lại Ơn Cứu Độ hồng phúc.
Trước hết, Chúa Giêsu tập họp các tông đồ cho lễ Vượt Qua của người Do thái, nhưng ngài còn trao ban cho một vài nghi thức một ý nghĩa mới: rửa tay trở thành rửa chân; bánh không men được người cha trong gia đình phân chia lại được Chúa Giêsu chia sẻ như dấu chỉ thân xác ngài bị trao nộp; chén chúc tụng được uống như dấu chỉ máu ngài đổ ra. Còn ngài, ngài chính là Con Chiên chịu sát tế.
Thứ đến, đây là dấu chỉ tự hiến hoàn toàn. Thánh Gioan đã chỉ kể lại việc rửa chân các tông đồ, trong khi các tác giả Phúc Âm khác thì đã chuyển lại việc thiết lập bí tích Thánh Thể.
Sự chọn lựa này không phải là chuyện kể của một Bữa Tiêc Ly khác. Rửa chân và tiệc Thánh Thể là sự diễn tả cũng chính một sự tự hiến hoàn toàn mà Chúa Giêsu thực hiện từ chính con người và cuộc sống của ngài, để cứu độ thế giới. Hai dấu chỉ đều là tưởng nhớ tình yêu của Đức Kitô cho đến cực điểm. Sự phục vụ được liên kết một cách bền chặt với tiệc Thánh Thể, như là hai trang của một tờ giấy. Siêng năng việc đạo đức không chỉ hệ tại ở việc đi dự lễ: mà cũng phải hiệp thông với nỗi khốn quẫn và những nhu cầu của những người mà cuộc đời ngược đãi.
Sự phục vụ là tiệc Thánh Thể khi đó là việc thăm viếng các bệnh nhân, sự quan tâm đến những người vô gia cư và những người bị bỏ rơi bên lề xã hội , phục vụ bàn ăn nơi những hàng quán từ thiện, cung cấp lương thực cho những người đang thiếu thốn, hay trao tặng vật dụng cần thiết cho những gia đình khánh kiệt vô sản…
Sau cùng, đây là “ Bí tích” của việc phục vụ. Tại sao việc rửa chân không là một bí tích hoàn toàn ?-
Nó có tất cả của một sự thiết lập trong một hình thức tốt đẹp và phải có. Lý do của nó chắc chắn là dấu chỉ mạnh mẽ này ít có vẻ là một nghi thức phải thực hiện hơn là một tình trạng tinh thần phải sống thường xuyên. Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy “luôn mặc bộ quần áo phục vụ”. Vì vậy, Chúa Giêsu đã chọn một cử chỉ thân tình và bình dân để nhắc nhớ chúng ta rằng, tình yêu huynh đệ phải được ghi dấu trong các cử chỉ thường ngày. Đời sống gia đình là một nơi có rất nhiều phục vụ thường diễn ra ít được nhận thấy.
Những cử chi của những người săn sóc đang nghiêng mình trên những thân xác bị bầm dập, hay những con tim bị thương tổn của những bệnh nhân; sự giúp đỡ được đưa đến cho những người nghèo bởi những thành viên của các hội đoàn từ thiện bác ái, sự kiên nhẫn lắng nghe, thời giờ được trao ban, một nụ cười được tặng ban và sự quan tâm được bày tỏ cho những những người thấp kém của cuộc sống… đều là những cử chỉ rửa chân mà tình yêu được diễn tả đối với Chúa và đối với những thần phận đau khổ, bất hạnh.
Chúa Giêsu nói với Phêrô còn đang ngập ngừng, ngần ngại: “ Sau này con sẽ hiểu”.
Và bây giờ, chúng ta đã hiểu chưa ?- Câu trả lời ở trong cuộc đời chúng ta.