Chúng ta đang sống. Thế nhưng sống nghĩa là gì ?- Đối với một cành nho, thế nào là sống ?- Tại sao Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh của thân nho và cành nho để nói lên mối liên hệ mật thiết giữa ngài và chúng ta ?
Tất cả chúng ta đều biết. Đối với một cành cây, sống là được liên kết với thân cây. Đối với một cành nho, sống hay chết, còn hay mất thật là rõ ràng và dứt khoát. Nếu nó được dính liền với thân cây, nếu nó được nuôi dưỡng bằng nhựa sống, thì đó là sự sống, là phát triển, hoa trái được bảo đảm. Ngược lại, nếu nó tách rời khỏi than, thì sẽ khô héo, cằn cỗi, và chết chóc. Không cần phải là nhà thông thái để có thể hiểu được điều đó. Bất cứ ai cũng đều có thể thử nghiệm với bất cứ cành nào trên cây.
Dùng hình ảnh thân nho và cành nho, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải kết hợp với ngài để được sống. Tách biệt ra khỏi ngài thì sẽ phải chết. Dĩ nhiên, sống và chết ở đây không phải là sự sống và cái chết sinh vật của thân xác trần gian. Mà là một sự sống khác, một cái chết khác. Sự sống đó không phải chỉ có trong tương lai, mà là bắt đầu ngay từ bây giờ, trong hiện tại. Sự sống đó có được là do thông phần sự sống thần thiêng của Chúa Giêsu, là hiệp thông sâu thẩm với Chúa Giêsu là suối nguồn sự sống đích thực.
Giống như đời sống của một cành nho, sự sống đích thực của người môn đệ cũng có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất là sống trong Chúa, sống với Chúa. Sự sống đó đòi hỏi một sự liên tục thường xuyên, một sự kết hợp thân thiết, một tình yêu trọn vẹn, hoà nhập trở nên một với Chúa. Hình ảnh nầy giúp chúng ta liên tưởng đến phép Mình Thánh Chúa; dưới hình bánh mà chúng ta rước lấy, Chúa Giêsu ngự thật trong con người chúng ta, biến đổi chúng ta nên giống ngài.
Thứ hai là cành nho cần phải được cắt tỉa, rửa sạch. Tất cả những người trồng nho đều biết rõ, nếu không cắt tỉa, thì chỉ trong vòng hai, ba năm, vườn nho sẽ chỉ sản sinh ra nhánh, cành lá, mà không có trái. Phải không ngừng cắt tỉa, rửa sạch, để tập trung nhựa sống vào những cành chính yếu. Khi bị cắt xén, cây nho đau đớn, rướm máu, tuôn đổ nhựa sống xuống đất, trước khi thành sẹo. Cắt tỉa, rửa sạch, là hình ảnh của sự tinh luyện, thử thách. Chắc chắn không phải vì vui sướng mà phải hy sinh cắt bỏ một phần cây nho. Nhưng chính là vì yêu mến, và muốn cho nó sản sinh dồi dào hoa trái. Đó là điều Chúa Giêsu đã nói, tỉa sạch để nó sai trái hơn.
Thứ ba là sinh nhiều hoa trái. Sinh hoa kết quả, là dấu chỉ của sự sống. Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài mời gọi chúng ta đến chung hưởng sự sống vĩnh cửu của ngài. Ngài đã làm chúng ta trở nên chi thể của thân thể Đức Kitô. Chúa Giêsu đã khẳng định, chúng ta là một phần thân thể của ngài, một cành của cây nho… như một phần sống động của Thiên Chúa hằng sống.
Chúng ta được Chúa Phục Sinh mời gọi đến lãnh nhận sự sống thần thiêng của ngài. Qua bí tích Thánh Thể đang được cử hành, nếu chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là Đấng trao ban lẽ sống cho cuộc đời chúng ta, đang ngự trong chúng ta, thì điều đó cần phải được biến thành hành động, bằng việc làm, bằng cách sống của chúng ta. Không phải chỉ trong nhà thờ, mà còn ở ngoài xã hội. Không phải chỉ đối với Thiên Chúa vô hình. Mà còn đối với anh em bằng xương bằng thịt chung quanh. Không phải với những con người hoàn hảo, thập toàn, mà là với những kẻ khốn khổ, đầy khuyết điểm, nhiều giới hạn. Cách sống đó là hoa trái đích thực mà Chúa mong đợi nơi mỗi người chúng ta.