Những người thuộc phe đối nghịch đến chất vấn Chúa Giêsu. Ý đồ của họ rõ ràng là giăng ra cho ngài một cái bẫy. Nếu ngài trả lời có cho câu hỏi được đặt ra cho ngài ( vâng, được phép nộp thuế cho hoàng đế ), thì ngài sẽ bị xem như là một người liên minh với chính quyền Roma và chiến đấu để dân Do thái luôn bị khuất phục.
Trong trường hợp ngược lại ( không, không được phép nộp thuế cho hoàng đế ), thì chính quyền Roma sẽ biến ngài thành kẻ thù. Bấy giờ ngài có nguy cơ bị vô hiệu hoá nhanh chóng.
Chúa Giêsu đã khéo léo thoát khỏi cái bế tắc mà người ta lôi kéo ngài đến bằng một câu nói đã trở nên thời danh, đáng cho chúng ta dừng lại, suy ngẫm: “ Vậy, hãy trả cho Cesarê những gì thuộc về Cesarê, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.
Khi tuyên bố những lời này, Chúa Giêsu không muốn để cho hiểu rằng, có một sự tách biệt rõ ràng giữa quyền bính dân sự và thần quyền, giữa Giáo Hội và Quốc Gia.
Tuy nhiên, ngài khẳng định là có một sự phân biệt giữa hai thế giới này: Ngài đã từng nói trước mặt Philatô: “ Nước Ta không thuộc về thế gian này”, và ngài biện hộ cho việc tôn trọng cho thế giới này và cho thế giới kia.
Phải trả cho Cesarê điều gì thuộc về Cesarê, nghĩa là phải tôn trọng chính quyền dân sự trong những gì là chính đáng và tốt đẹp. Bởi vì trong những điều gì chính đáng và tốt đẹp, chính quyền làm việc tương ứng với ý muốn của Thiên Chúa. Thiên Chúa sử dụng những thực tại và những định chế nhân loại để kiến tạo nên thế giới công bình hơn, bình đẳng hơn, tôn trọng con người hơn.
Chúng ta thậm chí phải nói rằng, theo cách thức và trong lãnh vực của chúng, những thực tại chính trị góp phần vào việc thực hiện đức bác ái mà Giáo Hội không ngừng mời gọi các tín hữu tham gia. Thật là thú vị được nhắc lại ở đây câu nói của Đức Giáo Hoàng Piô XI được viết vào năm 1927: “ Lãnh vực chính trị… là môi trường của việc bác ái rộng rãi nhất, đức bác ái chính trị”.
Qua đó, ngài muốn nói là, các môn đệ của Đức Kitô không được dửng dưng với quyền bính chính trị; nhưng, phải dùng nó để phục vụ cho sự thăng tiến tất cả những gì hỗ trợ sự phát triển và sự sung túc của con người.
Từ quan điểm này, chúng ta phải khẳng định rằng, một người lừa đảo với chính quyền dân sự và gian lận trong việc nộp thuế được áp đặt một cách công bình, thì đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa.
Như vậy, có Cesarê có quyền hành trên chúng ta; thế nhưng, đồng thời cũng có những quyền của Thiên Chúa phải tôn trọng. Bản văn Phúc Âm hôm nay nhấn mạnh trên sự quan trọng những quyền này.
Nó tìm cách tỏ cho thấy rằng, những quyền của Thiên Chúa trổi vượt trên những quyền của Cesarê, đến nỗi trong trường hợp có sự xung đột, thì phải vâng phục chính Thiên Chúa, chứ không vâng phục Cesarê. Đó là ý của Chúa Giêsu khi ngài truyền xen quyền của Thiên Chúa vào trong cuộc tranh luận, trong khi người ta chỉ chất vấn ngài về việc thuế phải nộp cho Cesarê.
Khẳng định những quyền của Thiên Chúa trước những quyền của Cesarê có những tác động gián tiếp quan trọng trong đời sống cụ thể. Nó lôi cuốn sự chú ý trên sự việc, khi có sự không tương hợp và đối nghịch giữa luật dân sự và luật Thiên Chúa, người tín hữu phải dành ưu tiên cho luật Thiên Chúa.
Điều hợp pháp theo dân sự không nhất thiết là hợp luân lý dưới cái nhìn của Thiên Chúa. Chẳng hạn như, không phải vì việc phá thai được hợp pháp hóa, được luật pháp cho phép, mà nó có thể được chấp nhận, đối với người môn đệ của Đức Kitô.
Như vậy là có sự kính trọng dành cho Cesarê, cho Nhà Nước, và có sự kính trọng phải dành cho Thiên Chúa. Người tín hữu quan tâm đến cả hai, và làm phát triển cả hai, khi cả hai đều hỗ trợ cho việc phát triển con người nhân loại.
Tuy nhiên, người tín hữu không được lẫn lộn điều gì phải thuộc về Thiên Chúa và điều gì phải thuộc về Nhà Nước. Phải ý thức rằng, lý tưởng được kích thích làm phát triển bởi Nhà Nước không bao giờ chạm đến độ cao của lý tưởng mà Thiên Chúa mời gọi.
Người tín hữu không khinh thường những mục đích được Nhà Nước theo đuổi. Cần phải nhìn nhận giá trị và sự cần thiết của nó. Thế nhưng, khi có sự xung khắc giữa luật pháp Nhà Nước và thánh ý Thiên Chúa, thì thánh ý của Thiên Chúa phải được ưu tiên trước hết và trên hết.