Trong dịp kỷ niệm 34 năm ngày thụ phong Linh mục, tôi xin được gởi đến Anh Chị Em một vài chia sẻ về Linh mục.
Trước hết, để thực hiện công cuộc cứu độ, Chúa Giêsu không muốn làm việc một mình. Thực vậy, nếu có một ai đó có tất cả những gì cần thiết để thực hiện tất cả những gì mình muốn, thì chính là Chúa Giêsu. Là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, ngài có đủ quyền năng và tình yêu để thực hiện và trao ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Thế nhưng, ngài đã không muốn làm như thế. Ngài đã mời gọi các tông đồ, để các ông ở với ngài, bên cạnh ngài. Ngài muốn chia sẻ trách nhiệm cho những người mà ngài mong muốn, tin tưởng và ủy thác, cho dù biết rõ họ yếu đuối, khiếm khuyết và bất xứng.
Thứ đến, đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, đi theo ngài, người tông đồ bước vào trong một nhóm, một tập thể, một cộng đòan. Đó là Nhóm Mười Hai luôn luôn gần gũi, thân cận với ngài trong suốt ba năm trời. Những vị này khâm phục ngài như một vị thủ lãnh độc nhất và độc đáo; cảm thấy an tâm khi ở bên cạnh ngài; các ông yêu mến ngài rất mực. Mỗi ngày gặp gỡ ngài, lắng nghe lời ngài, dần dần theo thời gian, các ông được đào tạo, huấn luyện, rồi được ngài sai đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Ngòai ra, đối với Nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu đã thực hiện một sự khác biệt tuyệt vời, một sự đa dạng cùng cực. Thử hỏi, khi chỉ mong muốn có những nhóm đồng nhất, rồi lọai trừ những nét độc đáo, đặc thù, cá tính và những người hay tranh cãi, thì người ta sẽ nhận được những gì ?- Lúc đó, người ta sẽ thấy một sự bình yên và tĩnh lặng, mà là thứ bình yên và tĩnh lặng của những nghĩa trang, nơi chôn cất những người đã qua đời. Chúa Giêsu thành lập một nhóm ồn ào. Ngài lên tiếng trách móc, phàn nàn các ông, khi các ông ganh tỵ với nhau, tranh giành với nhau. Thế nhưng, ngài yêu mến những con người năng động này. Ngài tin tưởng, ủy thác một kho tàng cao quý, một sứ mạng tuyệt vời của riêng ngài.
Sau cùng, một điểm đặc biệt cần lưu ý là, ngài làm ngạc nhiên cái tính thích bình đẳng của chúng ta bằng những nét ưu đãi rõ rệt của ngài. Với Phêrô, con người nông nổi, hay càu nhàu, phản đối, thế nhưng, đó là một con người ngài có thể trông cậy. Rồi với Giacôbê và Gioan, là những người cũng có nhiều tham vọng trần tục, ngài có một nhóm ba môn đệ thân tín. Đây là « bộ ba » luôn luôn có mặt trong những biến cố quan trọng và những thời điểm quyết định của ngài, chẳng hạn như : biến cố Biến Hình trên núi tabore; hay khi làm cho con gái Ong Giairô sống lại, hay những giờ hấp hối của Chúa tại vườn Gietsemani..Tất cả đều có mặt của « bộ ba » thân tín này. Điều đó có nghĩa là, ai ai cũng đều là môn đệ của Chúa, tất cả đều được Chúa thương yêu rất mực; thế nhưng, vẫn có một số người mà Chúa dành riêng cho một tình cảm đặc biệt.
Điều đó khiến chúng ta liên tưởng đến các linh mục của chúng ta
Được Chúa yêu thương đặc biệt và được tuyển chọn giữa muôn người, linh mục được thánh hiến cho Chúa, thuộc trọn về Chúa, hiến thân phụng sự Chúa và phục vụ anh em đồng lọai. Được Chúa mời gọi, người được Chúa tuyển chọn đã đáp lại một cách quảng đại, bằng sự hy sinh tình cảm gia đình, để được đào tạo và huấn luyện trong môi trường chủng viện. Sau khi được chuẩn bị tương đối chu đáo về mọi phương diện, linh mục được lãnh nhận thánh chức, và được sai đi để tiếp tục chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, ở một nơi xa lạ, thường không bà con thân thích, bằng ba sứ vụ đặc biệt là : 1) giảng dạy Lời Chúa, để cho mọi người biết Thiên Chúa là ai, ngài yêu thương con người như thế nào – 2) thánh hiến Dân Chúa bằng các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải – 3) cai quản và điều hành Cộng đòan giáo xứ, cách đặc biệt là về phần thiêng liêng, đạo đức, với tư cách là đại diện của Chúa.
Qua bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được Chúa ủy nhiệm chăm sóc toàn bộ đời sống thiêng liêng của chúng ta. Để trở thành con của Chúa, gia nhập vào Giáo Hội, chính linh mục trao ban bí tích Rửa tội. Khi chúng ta sa ngã, lỡ lầm, chính linh mục thay mặt Chúa, ban lời tha thứ. Chính linh mục cử hành bí tích Thánh Thể, để trao ban Mình Máu Thánh Chúa làm lương thực độc đáo và độc nhất cho linh hồn. Khi chúng ta kết hôn, thì, thay mặt Chúa và cộng đoàn, linh mục chứng hôn, để xin Chúa chúc lành cho tình yêu đôi lứa. Khi chúng ta yếu liệt, nguy tử, chính linh mục xức dầu thánh, để nâng đỡ đức tin, tình yêu, và lòng trông cậy, trước khi ra trình diện trước mặt Chúa. Và khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, chính linh mục cử hành thánh lễ an táng cho chúng ta, và tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta, xin Chúa tha thứ những lỗi lầm còn vướng mắc, để chúng ta sớm được hưởng hạnh phúc thiên đàng v.v. Tất cả đều nhờ sự giúp đỡ của linh mục.
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết, được Thiên Chúa tuyển chọn và trao ban thánh chức, linh mục cũng là con ngưới, không phải là thần thánh. Linh mục cũng có những khiếm khuyết và bất tòan như bao người khác. Cũng có nhiều giới hạn trong cuộc sống đời thường, về sức khỏe, về trinh độ, về cách ứng xử, cách đặc biệt là trong đời sống mục vụ đầy những đòi hỏi, khó khăn, nhất là trong thời đại hiện nay. Vì thế, cũng giống những người khác, linh mục không thể làm hài lòng hết mọi người.
Văn hào Juan Arias, trong bài viết với nhan đề là : “Linh mục, ngài là ai ?-« đã có những nhận xét như sau:
- Đối với một số người, linh mục là người cô độc, ích kỷ. Người nghèo tỏ vẻ bực bội khi thấy linh mục năng tiếp xúc với những người có vẻ giàu có. Mà nếu linh mục chuyên chăm phục vụ người nghèo, ít học, bệnh tật, neo đơn.. thì người ta lại ganh ghét, dèm pha, chỉ trích, gán ghép là « Ông này Mỵ dân ».
- Giảng ngắn dưới mười phút, thì họ nói : « Ong linh mục này lười biếng, không chịu dọn kỹ bài giảng ». Mà, bài giảng quá hai mươi phút, thì :« Ong ta là người ưa nói dai và nói dài ».
- Nếu giảng hùng hồn, thì :« Ong ta la lối om sòm. Thật bất kính đối với Chúa đang ngự trong Nhà Tạm ». Mà, nếu giảng với giọng bình thường, thì :« ông ta là chuyên gia gây mê cho những người mang bệnh khó ngủ ».
- Nếu năng đến thăm các gia đình trong giáo xứ, thì : « Ong ta chẳng có việc gì để làm. Suốt ngày cứ la cà hết nhà này sang nhà nọ, để kiếm chác ! Chẳng mấy khi thấy ông ta có mặt ở nhà xứ để tiếp xúc với các người cần gặp, hay để đi kẻ liệt ». Còn nếu ít đi thăm giáo dân, thi : « Ong ta chẳng quan tâm đến con chiên của mình sống chết ra sao ».
- Nếu linh mục còn trẻ :« Ong ta mới ra trường, nên tay nghề còn non, và chưa có kinh nghiệm mục vụ giáo xứ ». Còn nếu đã cao niên, thì : « Đúng là một lão già lẩm cẩm, hủ lậu ! Ong ta nên sớm xin về hưu đi là vừa ! ».v.v.
Và, vì nhiều lý do khác nhau, có khi là vô tình, nhưng nhiều khi do ác ý, còn biết bao vấn đề, nghi kỵ, hiểu lầm, xét nét, soi mói, dèm pha, chỉ trích, vu khống khác nhắm vào linh mục, bởi vì ngài là linh mục. Vì là linh mục, hiện thân của Đức Kitô, sứ giả trung thành của Đức Kitô, cho nên các linh mục vẫn vui vẻ đón nhận tất cả, chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, thường là âm thầm, kín đáo, ít người biết đến. Nhưng, Chúa biết tất cả, và Chúa hóa giải tất cả, để thánh ý Chúa luôn luôn được thực hiện. Người ta thường nói: Chúa vẻ những đường thẳng, bằng những nét cong.
Tuy nhiên, điều quan trọng mà người giáo dân chân chính cần ý thức, là có một linh mục sống giữa cộng đoàn, cùng làm việc và giúp đỡ mọi người trong đời sống tôn giáo, đạo đức, tinh thần, thiêng liêng, và nhiều khi cả về đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa... là một kho tàng vô giá, là một hạnh phúc vô cùng lớn lao. Không phải chỗ nào cũng có.
Vì thế, chúng ta hãy biết trân trọng, quý mến ! Hãy biết tận dụng những ơn huệ quý báu mà Chúa trao ban ! Hãy cầu nguyện cho các linh mục ! Hãy hiểu biết, cảm thông chia sẻ, nhiệt tình cộng tác, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, để cùng với các linh mục, chúng ta xây dựng và phát triển Nước Chúa tại địa phương thân yêu của chúng ta càng ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, theo thánh ý Chúa.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Cho các linh mục của chúng ta.